Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 - 225.000 ca đột quỵ. Bệnh nhân ngày càng trẻ hóa, tỷ lệ người bệnh vào cấp cứu muộn còn rất cao so với các quốc gia khác. Thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị Đột quỵ Quốc tế tổ chức ngày 28/10 tại Hà Nội.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Văn Chi, nguyên Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hà Nội, đột quỵ ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Nhiều người đã tử vong khi đang làm việc hoặc trên đường đi cấp cứu. Kết quả nghiên cứu trước đó tại 10 trung tâm đột quỵ trên toàn quốc với hơn 2.500 bệnh nhân cho thấy người trẻ (dưới 45 tuổi) chiếm 7,6% số ca mắc đột quỵ.
Đột quỵ não đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn thế giới, hơn 70% số người sau khi bị đột quỵ mất đi khả năng lao động. Tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân đột quỵ cao hơn so với các bệnh lý khác.
Trong khi đó, đột quỵ hoàn toàn có thể dự phòng sớm được, đặc biệt với những người có yếu tố nguy cơ như bị tiểu đường, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, các bệnh lý van tim, loạn nhịp, bệnh lý về máu, thận, phổi. Người dân chỉ cần thay đổi lối sống cũng có thể giảm khả năng bị đột quỵ.
Bác sĩ Chi cho biết, các thói quen cần bỏ như ăn mặn, hạn chế sử dụng rượu bia, tăng cường vận động thể dục, ăn uống khoa học tránh thừa cân, béo phì.
Cùng quan điểm, Giáo sư Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam nhấn mạnh, đột quỵ có thể sàng lọc và phòng ngừa được. Ông khuyến cáo những người có tiền sử đau đầu, gia đình có người bị đột quỵ, từ 40 tuổi trở lên bị tăng huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, mắc bệnh tim mạch cần được sàng lọc, chụp mạch não để can thiệp kịp thời và dự phòng đột quỵ bằng tuân thủ điều trị.
Khi xuất hiện các triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay chân, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng... cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để cấp cứu, không sử dụng các biện pháp dân gian cạo gió hay uống các thuốc quảng cáo chữa đột quỵ.
Tại Việt Nam hiện có 100 bệnh viện, trung tâm thực hiện cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ, trong đó có các bệnh viện tuyến tỉnh nhằm đảm bảo can thiệp kịp thời cho người bệnh. Tuy nhiên, gánh nặng từ bệnh đột quỵ ở nước ta vẫn ở mức cao, người bệnh tới viện quá giờ vàng can thiệp (4 - 6 giờ) còn rất nhiều. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng bên cạnh việc thành lập thêm những trung tâm chuyên sâu về đột quỵ, cần đẩy mạnh dự phòng căn bệnh này. Điều trị bệnh nhân đột quỵ là sự phối hợp của đa chuyên khoa.