Nguồn tin của Reuters cho biết động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước láng giềng gia tăng và New Delhi theo đuổi chính sách hiện đại hoá quân sự với việc gia tăng sử dụng các máy bay không người lái (drone) cũng như các hệ thống tự hành khác.
Giới phân tích và quốc phòng Ấn Độ nói rằng quan chức nước này lo ngại các thông tin tình báo có thể bị khai thác thông qua những linh kiện có nguồn gốc Trung Quốc, chẳng hạn như thiết bị liên lạc, máy ảnh, radio và phần mềm hệ điều hành trên drone.
Kể từ năm 2020, New Delhi áp đặt hạn chế nhập khẩu drone trinh sát và tiến hành quy trình này thông qua đấu thầu quân sự.
Đầu năm 2023, các biên bản cuộc họp đấu thầu drone cho thấy quan chức quốc phòng Ấn Độ đã nói với những nhà thầu tiềm năng rằng thiết bị hoặc bộ phận phụ “có nguồn gốc từ những quốc gia có chung biên giới đất liền với nước này sẽ không được chấp thuận vì lý do an ninh”.
Trong khi đó, một tài liệu khác cho thấy các hệ thống phụ có “lỗ hổng bảo mật” có thể làm tổn hại dữ liệu quân sự quan trọng, đồng thời yêu cầu các nhà cung cấp tiết lộ nguồn gốc thành phần linh kiện.
Hiện ngành công nghiệp Ấn Độ đang phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bất chấp lo ngại về các cuộc tấn công mạng. Tuần trước, Bắc Kinh công bố kiểm soát xuất khẩu một số loại máy bay không người lái và các thiết bị có liên quan. Năm 2019, quốc hội Mỹ cấm Lầu Năm Góc mua hoặc sử dụng drone và linh kiện sản xuất tại Trung Quốc.
70% linh kiện drone do Trung Quốc sản xuất
Chính phủ Thủ tướng Narenda Modi đang tìm cách xây dựng năng lực drone Ấn Độ để ngăn chặn các mối đe doạ mới. Nước này đã dành ra 19,77 tỷ USD để hiện đại hoá quân đội giai đoạn 2023-2024, trong đó 75% dành cho công nghiệp trong nước.
Tuy vậy, lệnh cấm sử dụng linh kiện từ Trung Quốc đã làm tăng chi phí sản xuất drone nội địa, lên tới 50%, khi các nhà sản xuất phải “đau đầu” kiếm phụ tùng thay thế.
Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman nói rằng các công ty tư nhân lớn Ấn Độ ít đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt những nhà đầu tư mạo hiểm tránh xa dự án quân sự vì thời gian thực hiện kéo dài và rủi ro không có đầu ra cho sản phẩm.
Sameer Joshi, nhà sáng lập NewSpace Research & Technologies, một trong những công ty cung cấp drone cỡ nhỏ cho quân đội Ấn Độ, cho biết 70% hàng hoá trong chuỗi cung ứng được sản xuất tại nước láng giềng. Điều này dẫn đến tình trạng một số nhà sản xuất vẫn nhập khẩu linh kiện Trung Quốc nhưng dán “nhãn trắng” để giữ chi phí không tăng vọt.
Ấn Độ phụ thuộc vào nước ngoài cả về linh kiện và hệ thống do nước này thiếu công nghệ chế tạo một số loại drone.
Y. Dilip, giám đốc cơ quan phát triển hàng không (ADE) cho biết một chương trình do chính phủ tài trợ sản xuất hệ thống không người lái đã bị trì hoãn ít nhất nửa thập kỷ. Chẳng hạn, nền tảng Tapas, đáp ứng hầu hết tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng bị hạn chế bởi động cơ để có thể đạt mục tiêu “hoạt động trên độ cao 30.000 feet và duy trì trong vòng 24 giờ”.
Để lấp đầy khoảng trống này, tháng 6/2023, New Delhi tuyên bố mua 31 máy bay không người lái MQ-9 từ Mỹ với giá hơn 3 tỷ USD.
(Theo Reuters)