Theo tài liệu tình báo Mỹ bị rò rỉ, hệ thống Internet vệ tinh tỷ phú Elon Musk đang cung cấp cho các lực lượng Ukraine đã trở thành mục tiêu tấn công của một dự án tác chiến điện tử bí mật của Nga.
Dự án tuyệt mật có tên Topol được Moscow thử nghiệm trong nhiều tháng nhằm phá vỡ đường truyền của Starlink. Tài liệu này nằm trong số những tài liệu tình báo bị rò rỉ trực tuyến thông qua nền tảng nhắn tin Discord từ tháng 3 vừa qua.
Thông tin bị lộ không cho biết, liệu Moscow đã thành công với thử nghiệm hay chưa, nhưng rất có thể nó chứng thực cho giả thuyết từng được nêu ra trước đây, rằng chương trình bảo vệ các vệ tinh trên quỹ đạo của Nga có thể được sử dụng để tấn công vào vệ tinh mục tiêu của đối phương.
Tháng 5/2022, CEO SpaceX, Elon Musk nói rằng, Starlink có khả năng phục hồi mạnh mẽ trước nỗ lực “gây nhiễu và can thiệp” từ phía quân đội Nga.
Trong khi đó, nhận định về vai trò của hệ thống Internet vệ tinh, thiếu tướng Charlie Dietz, phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay: “Hệ thống này tạo thành một lớp quan trọng trong mạng lưới thông tin liên lạc của Ukraine”. Còn Kostiantyn Zhura, đại diện Bộ Quốc phòng Ukraine thừa nhận đang chống chọi với những “biện pháp vô hiệu hoá vệ tinh” của Moscow.
Những hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ của Nga đã thành công trong việc gây nhiễu khả năng sử dụng thiết bị liên lạc của Ukraine, gồm sóng radio và điện thoại di động, nhưng đến nay tín hiệu vệ tinh vẫn là một thách thức để phá vỡ.
Mùa thu năm ngoái, Musk đối mặt với phản ứng dữ dội từ các nhà lãnh đạo tại Kiev sau khi đưa ra kế hoạch chấm dứt chiến tranh với những điều khoản có lợi cho Moscow. Vài tuần sau đó, tỷ phú này lại bị chỉ trích khi đe doạ ngừng tài trợ cho dịch vụ Starlink khẩn cấp.
Cũng trong khoảng thời gian này, hệ thống Internet vệ tinh của SpaceX gặp “sự cố” ngừng hoạt động khiến lực lượng quân đội Ukraine khốn đốn trong vài tuần. Hiện chưa rõ sự cố là kết quả của thử nghiệm Topol hay do các hệ thống tác chiến điện tử khác, chẳng hạn như Tirada-2, gây ra hay không.
Can thiệp sóng vệ tinh
Theo báo cáo được công bố vào tháng 4 của Secure World Foundation (SWF) - nhóm nghiên cứu tư nhân lĩnh vực an ninh vũ trụ, các nhà phân tích xác định có ít nhất 7 tổ hợp Topol ở Nga, tất cả đều nằm cạnh những cơ sở có chức năng bảo vệ mạng lưới vệ tinh của nước này.
Trên lý thuyết, vệ tinh có thể bị can thiệp trên không gian (gây nhiễu đường lên), bằng cách nhắm trực tiếp vào vệ tinh mục tiêu hoặc dưới mặt đất (gây nhiễu đường xuống), với các vũ khí nhắm vào những trạm thu phát sóng.
Phương pháp gây nhiễu đường xuống sử dụng tín hiệu có cùng tần số với vệ tinh, ngăn cản các thiết bị kết nối nhận tín hiệu hợp lệ. Cách thức này có phạm vi ảnh hưởng nhỏ hơn vì phụ thuộc vào khoảng cách của thiết bị gây nhiễu với hệ thống mục tiêu. Giới phân tích nhận định Topol nhiều khả năng sử dụng cơ chế gây nhiễu đường lên, trộn tín hiệu vào sóng ban đầu, làm biến dạng thông tin người dùng nhận được.
Năm ngoái, Musk cho biết, công ty đã phải cập nhật bản vá phần mềm để ngăn chặn những hoạt động can thiệp vào thiết bị đầu cuối của Starlink.
Tài liệu rò rỉ mô tả “Nga đang thử nghiệm hoạt động quân sự nhằm vào hệ thống liên lạc vệ tinh Starlink tại Ukraine với Topol-1”, trong đó tiết lộ 3 địa điểm ở Nga nơi các cuộc thử nghiệm diễn ra, gồm một cơ sở bên ngoài Moscow, một địa điểm gần Crimea và một địa điểm khác tại Kaliningrad.
“Các tài liệu công khai cho thấy, Topol là hệ thống phòng thủ ngăn chặn việc gây nhiễu hay can thiệp vệ tinh của Nga. Hệ thống này phân tích sóng gây nhiễu, sau đó tạo ra tín hiệu phản lại để loại bỏ tín hiệu nhiễu”, Brian Weeden, giám đốc chương trình kế hoạch tại SWF cho biết. “Nhưng nếu có thể làm như vậy, thì Topol cũng có thể can thiệp chủ động vào những vệ tinh khác”.
Hendrickx, nhà nghiên cứu nghiệp dư tại Bỉ, người phát hiện các thông tin công khai hạn chế về chương trình Topol thông qua tài liệu toà án và mua sắm công, nói rằng vệ tinh Starlink có quỹ đạo đủ thấp để Topol có thể phát sóng gây nhiễu. Song, cũng thừa nhận rằng khó có thể làm tắc nghẽn tất cả các vệ tinh do số lượng quá lớn.
(Theo WashingtonPost)