Trong xung đột Nga – Ukraine hiện nay, công nghệ đóng một vai trò không kém phần quan trọng so với vũ khí hay lương thực, thuốc men. Công nghệ góp mặt trong mọi ngóc ngách của cuộc chiến, đặc biệt, nhiều công nghệ dân sự vốn quen thuộc với đời sống hàng ngày như máy bay không người lái (drone), nhận diện gương mặt hay Internet vệ tinh cũng mang trong mình mục đích sử dụng hoàn toàn mới. Nói cách khác, chúng được quân sự hóa để phục vụ mỗi bên tham gia chiến tranh.

 
Quân đội Ukraine chặn một con đường tại Kyiv ngày 24/2. (Ảnh: Getty Images)
Máy bay không người lái

“Drone là đôi mắt của chúng tôi”, một sĩ quan Ukraine giấu tên chia sẻ với Cnet. Những chiếc drone mua được trên Amazon vốn thường dùng để quay video YouTube nay cũng tham gia chiến sự. Theo sĩ quan này, quân đội Ukraine không có bộ phận chuyên về drone nhưng các chiến sĩ và người dân dùng chúng để quan sát động tĩnh ở ngôi làng kế bên hay đoạn đường lân cận. “Nếu pháo binh Nga chuẩn bị tấn công, chúng tôi có thể di chuyển dân thường”.

Từ drone thương mại đến drone quân sự, chúng chứng minh tính hiệu quả đối với quân đội hai bên. Thực tế, phương tiện bay không người lái được triển khai trong chiến tranh từ lâu, nhưng tới nay mới phổ biến. UAV và drone mang đến lợi thế chiến thuật cho lực lượng vũ trang. Chẳng hạn, khi bay trên lãnh thổ chiến đấu, chúng giúp phát hiện chuyển động của quân địch, xác định vị trí chiến thuật/pháo binh chính xác và định vị trạm kiểm soát. Drone cung cấp thông tin quan trọng một cách bí mật từ khoảng cách an toàn mà không gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Nga sở hữu một trong những đội quân drone hiện đại nhất thế giới. Trong số này có drone chiến đấu Orion do Kronstadt phát triển từ năm 2011 và hoàn thành bay thử vào năm 2015-2016. Nga cũng mua drone và công nghệ bay không người lái từ các nước khác. Tuy nhiên, khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, một số công ty đã rút khỏi đây hoặc tạm dừng hoạt động, bao gồm nhà sản xuất drone của CH Séc Primoco và DJI của Trung Quốc.

Đội quân drone của Ukraine khiêm tốn hơn, song nước này được một số công ty drone ủng hộ cho mục đích quân sự hoặc nhân đạo. Chẳng hạn, Draganfly tặng 3 drone để vận chuyển máu, vaccine, thuốc kháng sinh, insulin và sản phẩm y tế khác cần bảo quản lạnh; Aquiline Drones quyên góp 40 drone Spartacus để thanh tra, tìm kiếm và cứu hộ, vận chuyển y tế, nước; Skydio hỗ trợ hàng chục drone và đào tạo trị giá 300.000 USD cho các nỗ lực nhân đạo tại Ukraine.

Nhận diện gương mặt

Clearview AI là một công ty Mỹ chuyên sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện gương mặt, cũng là trung tâm của nhiều vụ kiện liên quan đến thu thập hình ảnh của mọi người từ các nền tảng công cộng như mạng xã hội. Clearview sở hữu cơ sở dữ liệu hơn 10 tỷ hình ảnh nhờ mua lại dữ liệu từ web và các trang như Facebook, Twitter, Instagram, Google, LinkedIn và Vkontakte. Vkontakte phổ biến tại Nga và Clearview có khoảng 2 tỷ hình ảnh từ đây.

CEO Clearview đã liên hệ với chính quyền Kiev và đề nghị cấp quyền truy cập nền tảng, cho phép họ phân tích gương mặt của cả người dân lẫn binh lính. Hồi tháng 3, tạp chí Forbes đưa tin Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov xác nhận trên kênh Telegram rằng nước này đã dùng phần mềm để tìm kiếm tài khoản mạng xã hội của các binh lính Nga thiệt mạng, giúp nhà chức trách liên hệ với gia đình của họ. Mục tiêu của Ukraine là xóa bỏ các thông tin sai sự thật liên quan đến cuộc chiến.

Theo New York Times, Clearview đã tạo hơn 200 tài khoản cho người dùng tại 5 cơ quan chính phủ Ukraine, thực hiện hơn 5.000 lượt tìm kiếm. Clearview cũng dịch ứng dụng sang tiếng Ukraine. Dù vậy, phê chỉ trích cảnh báo các hãng công nghệ chỉ đang lợi dụng khủng hoảng để bành trướng mà ít chịu sự giám sát hơn. Bất kỳ sai lầm nào xuất phát từ phần mềm hay người sử dụng cũng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng trong vùng chiến sự.  

Kyiv Digital

3 triệu người tại thủ đô Kyiv (Ukraine) sử dụng ứng dụng Kyiv Digital hàng ngày. Nó giúp họ mua vé tham gia giao thông công cộng và nhận cập nhật về thông tin tàu điện ngầm. Trong chiến sự, Kyiv Digital cũng được chuyển đổi và càng đóng vai trò quan trọng hơn trong cuộc sống của người dân. Nó phát đi cảnh báo không kích và hiển thị bản đồ cửa hàng thực phẩm còn mở cửa, nhà thuốc và phòng khám thú y.

Hơn nữa, người dân dùng Kyiv Digital để đăng tải bằng chứng về tội ác chiến tranh, tìm kiếm những nơi họ có thể hiến máu, giúp người bị thương. Theo người đứng đầu văn phòng chuyển đổi số Ukraine Petro Olenych, công việc chính của họ hiện tại là giúp cho người dân Ukraine luôn được cập nhật thông tin, điều chỉnh dịch vụ vì sự thuận tiện và an toàn của người dân và duy trì liên lạc, hạ tầng đô thị.

Hình ảnh vệ tinh, mạng xã hội và dữ liệu

Sự kiện Nga điều khoảng 150.000 quân ở biên giới Ukraine có thể nhìn thấy rõ qua ảnh chụp vệ tinh. Video TikTok, Twitter và các nền tảng khác cũng cung cấp cái gọi là “tình báo nguồn mở” cho chuyên gia và những người tò mò. Sự phát triển không ngừng của mạng xã hội, hình ảnh vệ tinh sẵn có và bộ dữ liệu nói chung đã thay đổi chiến tranh và tính toán xoay quanh chiến tranh và ngoại giao.

Công chúng, trước đây dựa vào thông tin từ chính phủ và báo chí, nay có thể tận mắt xem những gì đang diễn ra theo thời gian thực. Vị trí địa lý và siêu dữ liệu (metadata) có thể được kiểm tra để xác nhận xem hình ảnh là thật hay giả. Mạng xã hội cũng cung cấp một nền tảng để các chuyên gia tình báo nguồn mở chia sẻ công trình của họ cho công chúng.

Tình báo nguồn mở gây chú ý khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một cuộc họp báo khẳng định: “Chúng tôi rất minh bạch. Thông tin tình báo chúng tôi chia sẻ thực ra đã được xác nhận với các nguồn mở, với hình ảnh vệ tinh từ các vệ tinh thương mại”.

Du Lam (Tổng hợp)