Chiều nay (12/5), tại phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự án được chia thành 7 dự án thành phần, trong đó, tách riêng việc thu hồi, bồi thường, tái định cư và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công; riêng dự án thành phần 3 đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc phân chia các dự án thành phần phải phù hợp với quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đồng thời cần xác định rõ chi phí đầu tư đường Vành đai 4 và chi phí đầu tư đường song hành.
Trên cơ sở đó, đề nghị nghiên cứu phân chia dự án thành các dự án thành phần gồm: Đường Vành đai 4 (bao gồm cấu phần thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư), đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Hai tuyến đường song hành, phân theo địa giới hành chính của từng địa phương, đầu tư theo hình thức đầu tư công.
Liên quan tiến độ hoàn thành dự án, một số ý kiến cho rằng đường bộ cao tốc có quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, thời gian từ lúc chuẩn bị đến khi hoàn thành tối thiểu từ 5 - 6 năm. Đồng thời, việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc cùng một thời gian, trong đó tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn (nguồn nhân lực, vật liệu, thiết bị máy móc…). Do đó, thực tế triển khai dự án sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu đang tăng cao để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai.
Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng, có ý kiến đề nghị làm rõ việc tính toán về sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần cũng như toàn bộ dự án, bổ sung, làm rõ hơn về cơ cấu chi phí và suất đầu tư đối với các đoạn của dự án so sánh với các dự án tương tự.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, việc thông tuyến, hoàn thiện các vành đai trên địa bàn Hà Nội đều là “tinh thần trong nghị quyết của nhiệm kỳ này”.
Về tính khả thi, lãnh đạo Hà Nội thừa nhận dự án có nhiều khó khăn, từ nguồn vốn, lại đi qua nhiều địa phương, diện tích giải phóng mặt bằng lớn. Hạng mục xây lắp cũng nhiều nội dung như đường trên cao, dưới thấp, đường song hành, đường gom…
Ông Chu Ngọc Anh cho rằng việc phân chia thành 7 dự án thành phần là hợp lý, trong đó có sử dụng vốn T.Ư, địa phương và BOT, vừa đảm bảo tốc độ, hiệu quả sử dụng nguồn vốn của dự án, phát huy được tính toàn diện của dự án với sự góp sức của nhiều địa phương.
Không vì ít tiền, khó khăn ngân sách mà tiết kiệm
Theo tờ trình của Chính phủ, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có quy mô khoảng 76,3km, 4 làn xe cao tốc hạn chế. Phạm vi đầu tư dự án có đường Vành đai 3 và 2 đường song hành, phân chia thành 8 dự án thành phần. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 75.378 tỷ đồng.
Chính phủ dự kiến năm 2022 chuẩn bị dự án, năm 2023 khởi công xây dựng và cơ bản hoàn thành năm 2025, hoàn thành toàn bộ vào năm 2026, quyết toán năm 2027.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, Thường trực Ủy ban thấy “khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025”.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực... để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho dự án.
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường băn khoăn khi phạm vi đầu tư dự án ngoài đường Vành đai 3 còn có 2 đường song hành.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay, vì đây là đường cao tốc đô thị nên việc có các đường song hành rất quan trọng.
“Không vì ít tiền, khó khăn ngân sách mà chúng ta tiết kiệm chỗ này. Mai mốt chúng ta đầu tư có khi còn tốn kém hơn mà không phát huy được đồng bộ”, ông Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, quá trình chuẩn bị địa phương đã rà soát rất kỹ từ các nút giao, những giao cắt, đoạn nào nên có đường song hành, đoạn nào không...
Do dự án Vành đai 3 quy mô lớn về khối lượng công việc, vốn, do đó ông Mãi đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội cho áp dụng các cơ chế đặc thù.
“Cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 43 về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội chỉ thực hiện trong 2 năm (2022 -2023). Chúng tôi xin được áp dụng cơ chế đặc thù trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án Vành đai 3 chứ không chỉ trong 2 năm”, Chủ tịch TP HCM đề nghị cho chỉ định thầu các gói tư vấn, đặc biệt là tư vấn trong thống kê, bồi thường, giải phóng mặt bằng; còn gói xây lắp thì cơ bản đấu thầu để bảo đảm minh bạch, hạn chế tiêu cực…
Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng bày tỏ băn khoăn đối với tính “hiệu quả trong phân bổ nguồn lực đầu tư công” vì ngoài 2 dự án nói trên thì tại kỳ họp thứ 3 Chính phủ cũng sẽ trình 3 dự án cao tốc khác.
“Tính toán vốn liếng phải tuân thủ cái khung đã có vì kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021 - 2025) đã quyết rồi, gói kích thích kinh tế cũng quyết rồi, không còn gì cả”, ông Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu dồn hết vào các dự án này nhiều địa phương, nhiều dự án sẽ không còn nguồn vốn để thực hiện. Ông đề nghị khi tính toán trình dự án phải đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với sự cần thiết của việc triển khai 2 dự án Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TP.HCM.
Tuy nhiên, riêng đối với dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, ông Huệ đề nghị giãn tiến độ 1 năm để cơ bản hoàn thành năm 2026 thay vì năm 2025 như tờ trình của Chính phủ nhằm giãn tiến độ bố trí vốn giúp giảm áp lực cho địa phương, T.Ư cũng còn vốn để phân bổ cho một số dự án quan trọng khác.
Hương Quỳnh
UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt nhiệm vụ xác định chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4 đoạn từ QL32 đến hết cầu Hồng Hà.