Đạm Ninh Bình, xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên, ethanol Phú Thọ, Dung Quất… là những dẫn chứng đau lòng về các dự án nghìn tỷ. Có dự án 'chết' khi đi vào vận hành không lâu, có dự án chưa thành hình đã dừng vô thời hạn... tất cả để lại đống tiền tỷ gỉ sét, cho nắng mưa tàn phá.
Trong suốt năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, hàng loạt dự án ngàn tỷ như: Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng của Tập đoàn Dầu Khí (PVTex), gang thép Thái Nguyên và các dự án ethanol từ Bắc tới Nam... được được điểm danh với tình trạng chung là thua lỗ nặng và đang chờ giải cứu.
Nhờ lại những ngày đầu khởi động, các dự án đều có những báo cáo nghiên cứu khả thi với nhiều số liệu chứng minh hiệu quả, cần phải xây dựng và cam kết về những thành quả lớn... nhưng đến nay thực tế vận hành đều cho thấy những tính toán đó là “phi thực tế” khiến phát sinh khoản chi phí đầu tư chênh lệch rất lớn so với tính toán, thua lỗ kéo dài và dừng hoạt động
Cụ thể, Dự án Xơ sợi Đình Vũ 7.000 tỷ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chi phí điện cả năm theo báo cáo nghiên cứu khả thi chỉ tốn khoảng 4,69 triệu USD, nhưng thực tế lên tới 12 triệu USD; chi phí hóa chất, phụ liệu khác theo tính toán chỉ 500.000 USD song thực tế lên tới 11 triệu USD. Các chi phí của PVTex như: khí đốt, chi phí nhân công đều tăng 1,5 - 3 lần.
Hơn thế, dự kiến nhà máy khi hoàn thành chỉ cần khoảng 500 nhân viên, song thực tế đang phải thuê tới 1.000 nhân viên vận hành nhà máy.
Với thực tế đó nên theo tính toán ban đầu cho rằng nhà máy có khả năng thu hồi vốn trong 8 năm 8 tháng, nhưng khi tính toán lại phải mất tới 22 năm 10 tháng mới thu hồi được vốn, chênh lệch tới 14 năm 2 tháng.
Hệ quả là, sản phẩm làm ra không bán được, giá thành cao. Điều gì đến cũng phải đến. Tổng lỗ của PVTex tính tới ngày 31/3/2015 đã lên tới 1.732 tỉ đồng, lâm cảnh “chết lâm sàng”.
Còn dự án Đạm Ninh Bình vốn 12.000 tỷ, lỗ 2.700 tỷ. Sau nhiều năm vận hành vẫn chưa thể hoàn thiện vì còn vướng mắc với nhà thầu Trung Quốc. Và để cứu dự án, Tập đoàn Hóa Chất đã phải cầu cứu lên chính phủ.
Còn Dự án Gang thép Thái Nguyên với số vốn ban đầu là 3.800 tỷ, sau hai lần dang dở đã tăng lên hơn 8.000 tỷ nhưng 10 năm qua không thể hoàn thành. Không còn cách nào, dự án lại xin được giải cứu trong khi hàng ngàn tỷ đồng thiết bị đang ngày một hoen gỉ và hoang tàn.
Theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Kiến Thành cho rằng: Đó là những dự án không có giá trị về kinh tế. Trước đây thời bao cấp, chỉ cần có sản phẩm là có thị trường tiêu thụ. Thế nhưng bây giờ đã khác, khi một nhà máy mà sản phẩm làm ra không đáp ứng được yêu cầu của thị trường thì không thể tiêu thụ được. Không cạnh tranh nổi thì phải chết thôi.
“Không chỉ đạm Ninh Bình mà những dự án không hội tụ đủ những điều kiện cho một doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường chỉ đi đến chỗ phá sản thôi, không có lối ra”, ông Bùi Kiến Thành nhấn mạnh.
Chỉ tính riêng 3 dự án là Đạm Ninh Bình, xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên, số vốn đầu tư không hiệu quả đã lên đến 27 nghìn tỷ đồng. Chục nghìn tỷ nằm phơi mưa gió trong khi ngân sách từng ngày vẫn trong tình trạng “giật gấu vá vai”, lo chỗ nọ, bù chỗ kia để cân bằng được các khoản chi tiêu thường xuyên. Còn chi đầu tư phát triển đang phải dựa phần lớn vào nguồn vốn vay. Đó là một thực tế đầy xót xa.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên "đắp chiếu" chờ nhà thầu Trung Quốc |
Hàng loạt dự án hạ tầng lớn, tạo động lực cho phát triển kinh tế như như cầu Nhật Tân, cảng hàng không T2 Nội Bài, đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng… đều được hoàn thiện từ những nguồn vốn vay.
27 nghìn tỷ của 3 dự án kể trên nếu dành cho dự án đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai dài 245 km thì cũng gần đủ, thay vì phải đi vay hàng tỷ đô la từ các nhà tài trợ nước ngoài. Và số tiền đó có lẽ đủ để xây dựng cả ngàn trường học khang trang vốn đang rất thiếu ngay cả ở thành thị, chưa nói đến vùng sâu vùng xa.
Nói về thực cảnh này, một chuyên gia ví von, tư duy làm kinh tế kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” đang đẩy nhiều dự án có vốn nhà nước vào cảnh khoai chẳng có mà ăn, còn mai thì mất. Những dự án ngàn tỷ đó làm thì lỗ, phá sản không xong... nó trở thành một món nợ, một nỗi đau dai dẳng... và đó là những 'tượng đài' nhắc nhở chúng ta về sự lãng phí. Và kể ra thì còn rất nhiều 'tượng đài' như thế trên cả nước.
“Những dự án lớn như thế rõ ràng không khả thi ngay từ đầu về mặt kinh tế. Những cơ quan nào đứng ra phê duyệt cái đó phải chịu trách nhiệm ngay từ đầu và phải rút kinh nghiệm để dự án mới phải thế nào”, ông Bùi Kiến Thành khuyến nghị.
Lương Bằng