Các cuộc xung đột sẽ tiếp tục diễn ra và đi cùng với chúng là nguy cơ trở thành các cuộc chiến uỷ nhiệm. Trong khi đó, các quốc gia dẫn đầu phía Nam địa cầu sẽ tiếp tục trở thành những người chơi quan trọng trên "đấu trường" chính trị thế giới, không hoàn toàn ngả về bên nào mà hợp tác một cách chọn lọc dựa trên lợi ích quốc gia.
Sự mở rộng của khối BRICS vào tháng 1/2024 sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu. Khối này, hiện bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, sẽ kết nạp thêm các thành viên mới là Arập Xêút, Iran, Ethiopia, Ai Cập và UAE. Năm thành viên này đều là cường quốc trong các khu vực của họ, đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình khuôn khổ kinh tế và chính trị tại Trung Đông và Châu Phi. Khối BRICS đặt mục tiêu trở thành một liên minh nước lớn có khả năng tái cơ cấu hệ thống tài chính toàn cầu và đối trọng với phương Tây.
Việc mở rộng này sẽ làm tăng tỷ trọng của BRICS trong GDP toàn cầu lên 36%, vượt mức 30% của khối G7. Khối BRICS mở rộng cũng sẽ chiếm gần một nửa thị phần ngành sản xuất dầu toàn cầu qua sự gia nhập của Ảrập Xêút và UAE, và cũng sẽ chiếm 48,7% sản lượng lúa mì toàn cầu. Sự phát triển của nhóm này không chỉ làm đa dạng hoá sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng địa chính trị của BRICS, mà còn phản ánh vai trò ngày càng tăng của các quốc gia Nam bán cầu trong việc hình thành một trật tự thế giới công bằng và toàn diện hơn.
Tại Trung Đông, chúng ta sẽ bắt đầu thấy sự xuất hiện của một cán cân quyền lực mới trong khu vực, được định hình bởi các trung cường quốc muốn nâng tầm ảnh hưởng của mình. Một trong những xu hướng đáng chú ý nhất trong năm 2023 là sự giảm căng thẳng và bình thường hoá quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực. Đâu đó, xu hướng này được thúc đẩy bởi sự rút lui của Mỹ khỏi Trung Đông. Năm qua, sự thay đổi này được minh chứng bằng thoả thuận bình thường hoá giữa hai đối thủ trong khu vực là Ảrập Xêút và Iran do Bắc Kinh làm trung gian. Ngoài ra, những nỗ lực nối lại quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Trung Đông dựa trên tình đoàn kết thế giới Hồi Giáo đã diễn ra trong năm 2023, và các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Ảrập Xêút và lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen cho thấy xu hướng này sẽ còn tiếp tục vào năm 2024.
Chúng ta cũng đã thấy tiến triển ngoại giao giữa Israel và các quốc gia Ảrập qua khuôn khổ Hiệp định Abraham, nhưng nỗ lực bị phá vỡ gần như hoàn toàn sau khi bùng nổ xung đột Israel-Hamas. Cuộc xung đột này sẽ tiếp tục là tiêu đề tin tức hàng đầu của báo chí trong năm 2024, với nguy cơ trở thành một cuộc chiến lớn hơn với sự tham gia của toàn khu vực và các cường quốc thế giới. Đây là một thứ chúng ta đã thấy qua cách phiến quân Houthi tại Yemen đang đe doạ tấn công bất kỳ tàu nào họ tin là đang đến hoặc đến từ Israel tại tuyến vận tải hàng hải qua Biển Đỏ, một huyết mạch thương mại toàn cầu, và phản ứng quân sự của Mỹ và các đồng minh trong vài ngày qua. Xung đột tại Gaza, cũng như bối cảnh an ninh bất ổn định tại Yemen, Libya, Syria, và Lebanon sẽ làm dấy lên sự đe doạ an ninh khu vực và đe doạ chiến lược của Mỹ để rút khỏi khu vực và xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Ukraine sẽ ngày càng gặp khó khăn khi chiến sự với Nga chưa có dấu hiệu ngừng nghỉ. Nền kinh tế và khả năng chiến đấu của Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ tài chính nước ngoài, và các nhà quan sát ngày càng bày tỏ hoài nghi về tính bền vững của nguồn hỗ trợ này. Mỹ và EU là hai nguồn viện trợ chính, nhưng Phương Tây ngày càng mất hy vọng vào cuộc chiến sau khi hàng chục tỷ USD viện trợ đã không thể giúp Ukraine đạt được chiến thắng lớn nào trong năm 2023. Bên cạnh đó là căng thẳng chính trị nội bộ trong các quốc gia phương Tây xung quanh câu hỏi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine hay không – một thứ chúng ta thấy rõ trong sự chia rẽ giữa phe Cộng hoà chống can thiệp và phe Dân chủ ủng hộ viện trợ tại Mỹ. Tình trạng này có thể dẫn đến việc Ukraine không đáp ứng được nhu cầu tài chính và quân sự trong năm 2024, gây bất ổn kinh tế, làm suy yếu khả năng để Kiev tiếp tục cuộc chiến, và có lẽ sẽ bị ép quay trở lại bàn đàm phán.
Có lẽ thứ duy nhất đoàn kết các lãnh đạo phương Tây trong cuộc xung đột này sẽ chỉ còn là tâm lý chống Nga, tuy nhiên quan điểm này ngày càng cho thấy sự không hợp lý và thiếu bền vững, do tầm quan trọng của Nga trong hệ sinh thái kinh tế toàn cầu. Đồng thời, năm 2024 cũng sẽ cho thấy sự tự tin của Tổng thống Vladimir Putin tăng lên khi cuộc chiến đang đi theo hướng có lợi cho Moscow. Với việc tăng cường khả năng chiến đấu qua những nỗ lực huy động quân sự và áp dụng các công nghệ mới trên chiến trường, Moscow có thể thực hiện các cuộc tấn công nhằm củng cố biên giới dọc theo bốn vùng được Nga sáp nhập vào tháng 9/2022.
Niềm tin của ông Putin vào khả năng phục hồi của Nga, và sự mệt mỏi với chiến sự của các quốc gia phương Tây, cho thấy mục tiêu chiến lược của Moscow sẽ là gây áp lực buộc Ukraine quay trở lại bàn đàm phán. Nếu năm 2024 mang lại các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột, Trung Quốc sẽ nắm bắt cơ hội đóng vai người hoà giải – và có lẽ sẽ là quốc gia duy nhất có khả năng làm cả hai bên hài lòng. Chính phủ Ukraine sẽ chỉ chấp nhận bất kỳ thoả thuận hoà bình nào nếu Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán với tư cách là người bảo đảm hoà bình, vì cho rằng sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Nga sẽ cho phép điều này diễn ra.
Như vậy, Nam bán cầu sẽ trở nên ngày càng nổi bật trong bức tranh chính trị thế giới năm 2024. Ngoài nhóm BRICS, các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Indonesia, và Nigeria đang có được ảnh hưởng trong khu vực của từng quốc gia.
Chiến lược ngoại giao của Việt Nam và Indonesia, hai nền kinh tế nằm trong nhóm các nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong thập kỷ tới, là ví dụ điển hình về việc các quốc gia tầm trung đang phát triển nền kinh tế bằng cách đa dạng hoá các lĩnh vực giá trị cao hơn. Qua việc khai thác tiềm năng kinh tế này, các quốc gia tầm trung sẽ dần trở thành những người chơi quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, có khả năng thúc đẩy lợi ích của họ một cách độc lập và không bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Đây sẽ là điều chúng ta thấy ngày càng rõ trong năm 2024.
Nhưng có lẽ ví dụ đáng chú ý nhất sẽ là Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang áp dụng một chiến lược địa chính trị và kinh tế thực dụng dựa trên bối cảnh chính trị thế giới hiện nay. Chính quyền Erdogan sẽ tiếp tục duy trì vai trò là một thành viên NATO chủ chốt, góp phần lớn trong việc đảm bảo an ninh khu vực dựa trên vị trí địa lý quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù vậy, quan điểm của ông Erdogan về việc đảm bảo an ninh sẽ tiếp tục gây xích mích với các đồng minh, do chính quyền ông coi điều này chỉ có thể đạt được qua việc thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Nga. Khả năng của Thổ Nhĩ Kỳ hành động độc lập, bất chấp nằm trong NATO, cho thấy vai trò của Ankara như một cường quốc khu vực đang khẳng định quyền tự chủ và vị thế cao hơn trong các vấn đề quốc tế.
Bối cảnh địa chính trị thế giới năm 2024 sẽ được đánh dấu bởi sự thay đổi cán cân quyền lực trong nền chính trị toàn cầu, với sự mở rộng của BRICS và sự trỗi dậy của Nam bán cầu là hai xu hướng đáng chú ý. Ngoài ra, những gì diễn ra trong chương tiếp theo của hai cuộc xung đột tại Ukraine và Gaza sẽ có ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc tế, vượt ra ngoài khu vực đến cả phương Tây lẫn phương Đông.