Venice đã ngập trở lại. Điểm du lịch nổi tiếng ở Ý bị ảnh hưởng bởi nước dâng cao theo mùa từ tháng 10 đến tháng 1, buộc khách du lịch phải chọn ngồi "bó chân" tại các quán cà phê hoặc lội qua quảng trường St. Mark nổi tiếng bằng ủng cao su hoặc chân trần.
Tuy nhiên, trong loạt hình được truyền thông ghi lại gần đây có thể thấy đa phần du khách tỏ ra không hề nao núng hay buồn bã vì cảnh tượng ngập lụt. Thay vào đó, họ thản nhiên tiếp tục các hoạt động tham quan của mình.
Chính quyền thành phố Venice đã phải bố trí những cây cầu tạm thời tại các điểm tham quan nổi tiếng để hỗ trợ du khách. Song đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Các chuyên gia cho biết trong tương lai gần, tình hình có thể trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng cao và triều cường bất thường có thể dẫn đến sụt lún đất.
Khi gió mạnh trùng với triều cường, nước từ biển Adriatic gần đó chảy vào đầm phá cũng sẽ gây ra lũ lụt.
Vào tháng 11 năm 2019, di sản thế giới được UNESCO công nhận này đã trải qua trận lũ lụt tồi tệ nhất trong hơn 50 năm. Các nhà chức trách cho biết, triều cường lên tới 1,87m, chỉ kém kỷ lục 1,94m được thiết lập vào năm 1996.
Khoảng 80% thành phố nằm dưới nước. Mực nước sâu hơn một mét ở một số khu vực gây ra thiệt hại trên diện rộng cho tàu thuyền và các công trình kiến trúc cổ.
Một báo cáo về biến đổi khí hậu đáng lo ngại từ năm 2017 được công bố trên tạp chí Quarternary International, tuyên bố rằng Venice có thể bị ngập vĩnh viễn vào năm 2100.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, từ nay cho đến năm 2050, Venice sẽ phái đối mặt lũ lụt nghiêm trọng như năm 2019, 6 năm một lần thay vì 100 năm một lần.
Đỗ An (Theo News)