Nhiều chuyến bay bị hoãn hoặc hủy chuyến vào phút chót dù trước đó hành khách đã không tiếc tiền chi cho những chiếc vé cao ngất ngưởng, sau hơn hai năm bị kìm chân ở nhà. Chỉ riêng ở Mỹ trong hai ngày cuối tuần đầu tiên của tháng 7, đã có hơn 1.500 chuyến bay bị hủy.
Hãng hàng không Delta Air Lines đã cắt giảm khoảng 100 chuyến bay mỗi ngày so với lịch trình trong tháng 7 này để "giảm thiểu sự gián đoạn" và miễn trừ cho hành khách vào ngày Quốc khánh Mỹ (4/7) vì chứng kiến lượng hành khách "tăng chưa từng thấy kể từ trước đại dịch". Trong khi đó, hãng Air Canada cũng cho biết sẽ hủy tới 10% các chuyến bay trong tháng 7 và tháng 8, tương đương khoảng 150 chuyến mỗi ngày.
Tại các sân bay, cảnh hành khách xếp hàng dài trước cửa nhà ga hoặc nằm vạ vật ở sảnh khởi hành đã trở nên quen thuộc vì quá trình kiểm tra an ninh, làm thủ tục và nhập cảnh ngày càng hỗn loạn.
Hành khách đã được yêu cầu đến sớm hơn để thực hiện các thủ tục nhưng sau đó lại cảm thấy vô cùng bối rối khi sân bay phát đi thông báo: "Vui lòng lưu ý rằng các hành khách chỉ được vào sảnh khởi hành 4 giờ trước chuyến bay".
Và sau đó là vấn đề hành lý. Tại sân bay Heathrow ở London là hàng núi hành lý khổng lồ chưa được xử lý và tất nhiên chủ nhân của chúng cũng đang mòn mỏi chờ đợi trong vô vọng.
Sẽ không sớm được khắc phục
Nói chung, di chuyển bằng máy bay hiện nay là một cơn ác mộng hay thậm chí còn được ví như một canh bạc. Và mùa cao điểm du lịch chỉ mới bắt đầu.
Rõ ràng, tình trạng quá tải sẽ không sớm được giải quyết. Trong tuần này, hãng hàng không Đức Lufthansa đã phát đi một thông báo bằng email cho các hành khách rằng "khó có thể cải thiện được tình hình trong ngắn hạn" và dự đoán mọi sự sẽ chỉ dần ổn định vào mùa đông.
"Sự thiếu hụt quá nhiều nguồn lực và nhân viên, không chỉ ở các đối tác mà còn ở chính nội bộ của hãng. Hầu hết mọi công ty trong ngành hàng không đều đang ráo riết tuyển dụng nhân sự mới, với vài nghìn vị trí cần được bổ sung mỗi ngày, chỉ tính riêng ở châu Âu", thông báo của Lufthansa cho biết.
Ngay cả khi vấn đề không phải ở các hãng hàng không mà chủ yếu liên quan đến sân bay thì nhiều chuyến bay cũng có thể bị hoãn hoặc hủy bỏ. Hãng hàng không Hà Lan KLM gần đây đã buộc phải hủy bỏ tất cả các chuyến bay từ châu Âu đến Amsterdam do sân bay quá đông đúc.
Nhiều người cho rằng các vấn đề của ngành hàng không thương mại, gần như chỉ liên quan tới khoa học. Nhưng thực tế hiện nay chứng minh một điều hoàn toàn ngược lại. Nguyên nhân cho tất cả các rắc rối kể trên lại bắt nguồn từ một vấn đề kinh doanh bình thường hơn nhiều: nhân sự.
"Không có gì ngạc nhiên"
"Nghiên cứu của chúng tôi cùng nhiều nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng nhu cầu đi du lịch sẽ tăng mạnh trở lại. Hoặc là họ không xem xét kỹ các dữ liệu hoặc cố tình hiểu sai mọi thứ chứ tình hình hiện nay của các hãng hàng không hoàn toàn không có gì ngạc nhiên", Henry Harteveldt, hiệu trưởng tại công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Atmosphere Research.
Trong trường hợp này có thể tạm suy đoán rằng thời gian đại dịch bùng phát đã có quá nhiều nhân sự có kinh nghiệm bị sa thải hoặc tự nguyện nghỉ việc. Và sau đó, các hãng hàng không, sân bay và các bộ phận quan trọng khác của hệ thống hàng không đã không kịp để tuyển đủ những người có năng lực để thay thế.
Vì là một ngành đặc thù nên các hãng hàng không hay sân bay đều hiểu quá rõ rằng những nhân sự mới sẽ cần có cả một quá trình liên quan để được đào tạo bài bản. Nhưng thời gian đang không ủng hộ họ.
Ở Anh, cũng có một thực tế là ngành hàng không nước này bị thiếu hụt nhóm nhân sự trong Liên minh châu Âu sau Brexit.
Addison Schonland, đối tác tại công ty báo cáo và phân tích hàng không AirInsight, cho biết: “Sa thải thì rất dễ dàng, nhưng tìm lại được những nhân sự phù hợp lại vô cùng khó".
Nguyên nhân cho sự thiếu hụt
Tại nhiều sân bay, đặc biệt là ở Châu Âu, các công việc chính như làm thủ tục, an ninh, hành lý, cửa khẩu và vận hành sân bay được thực hiện bởi nhân viên làm việc cho các công ty bên thứ ba mà các hãng hàng không và sân bay ký hợp đồng. Đó là lý do hành khách sẽ thường thấy họ trong bộ đồng phục không giống với nhân viên của hãng hàng không.
Những người này thường sẽ phải đảm nhiệm những công việc tương đối vất vả như vận chuyển hành lý lên máy bay vào những ngày trời nắng như đổ lửa hay mưa tuyết, sáng sớm hay tối muộn. Vì vậy, không phải ai cũng có thể gắn bó lâu dài với nghề.
Tại Mỹ, Cục Hàng không Liên bang (FAA) liên tục phải đối mặt với những vấn đề do thiếu kiểm soát viên không lưu, Harteveldt của Atmosphere Research cho biết.
Ông nói: “Những vấn đề liên quan đến sức khỏe đã khiến FAA gặp khó khăn trong việc thuê và đào tạo các kiểm soát viên không lưu mới vào năm 2020 và 2021. Ngoài ra, các kiểm soát viên không lưu cũng sẽ nghỉ hưu ở tuổi 56. FAA đang tích cực tuyển dụng người trở thành kiểm soát viên không lưu, nhưng quá trình đào tạo cần thời gian. Trong khi đó, các hãng hàng không liên tục kín lịch".
Đỗ An (Theo CNN)