Lai Châu là vùng đất của những hang động tuyệt đẹp nằm sâu trong lòng núi và những ngọn đèo hiểm trở với những vách núi cheo leo.
Những đỉnh núi hùng vĩ nổi tiếng như Pu Ta Leng, Pu Si Lung, Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên Sơn, Chung Nhía Vũ, Pú Đao hay Pờ Ma Lung…, những thác nước ẩn mình trong rừng xanh thẳm, những điệu xoè Phong Thổ hay những bản làng du lịch cộng đồng xinh xắn… đã tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp làm say đắm bao du khách trong và ngoài nước.
Tỉnh còn có 20 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có những đặc trưng văn hóa, phong tục riêng độc đáo. Đó là những điểm đến đầy màu sắc như: Bản đồng bào Mông ở Sin Suối Hồ, bản Nà Luồng với những cô gái dân tộc Lào duyên dáng hay bản Sì Thâu Chải nơi săn mây và ngắm bình minh mỗi buổi sớm, hòa mình vào cuộc sống vùng cao với đồng bào Dao.
Ngoài ra, Lai Châu còn có một lợi thế khác là nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng là Sa Pa (Lào Cai) và Điện Biên Phủ, đang triển khai dự án đường nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội – Lào Cai… Đây là những lợi thế để ngành du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng của tỉnh Lai Châu phát triển, thu hút du khách.
Phát triển du lịch cộng đồng bền vững
Lai Châu được đánh giá là có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú của các vùng miền là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng.
Những năm gần đây, việc phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững được Lai Châu chú trọng, đưa vào kế hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh giai đoạn 2020 – 2030.
Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa. Qua đó, giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, đồng thời bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương.
Quá trình phát triển du lịch cộng đồng kết hợp hài hoà nhu cầu của hiện tại và tương lai trên cả hai góc độ tổ chức, sản xuất du lịch và tham gia tiêu dùng du lịch nhằm đạt tới một mục đích bảo tồn, tái tạo và phát triển tài nguyên tự nhiên, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hoá dân tộc.
Lai Châu có 16 khu, điểm là làng văn hóa du lịch đã được UBND tỉnh công nhận. Bản Sin Suối Hồ được vinh danh là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019”.
Thời gian gần đây, du khách trong và ngoài nước yêu thích trải nghiệm thường tìm đến điểm du lịch cộng đồng ở các xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ), Sì Thâu Chải (Tam Đường), thị trấn Than Uyên (Than Uyên)… Có thể nói, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ kết hợp với đời sống văn hóa phong phú và những món ăn độc lạ, đậm hương vị miền núi của đồng bào dân tộc thiểu số là những lợi thế riêng có để Lai Châu phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đón khoảng gần 1,5 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đạt 13%/năm, doanh thu từ khách du lịch ước đạt gần 2.300 tỷ đồng.
Lượng khách du lịch đến Lai Châu ngày càng được mở rộng. Ngoài thị trường khách nội địa thì thị trường khách quốc tế truyền thống tập trung ở các nước như: Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Bỉ… và thị trường khách mới như: Canada, Hà Lan, Hàn Quốc, Úc, Nhật…. Ngành du lịch của tỉnh đang kỳ vọng đưa Lai Châu trở thành điểm đến mới được nhiều du khách lựa chọn làm điểm tham quan, trải nghiệm, từ đó sẽ tạo doanh thu và đóng góp vào GRDP của tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2025.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, du lịch cộng đồng ở Lai Châu cũng đối mặt với những thách thức. Cụ thể: Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang làm du lịch, dịch vụ còn chậm, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng đến các thôn, bản, cơ sở vật chất tại các cơ sở lưu trú, công trình vệ sinh chưa đồng đều.
Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật, việc nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch gắn với việc xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch, nhất là đội ngũ lao động trực tiếp phục vụ khách còn thiếu kỹ năng, tính chuyên nghiệp; thiếu cơ chế, giải pháp đột phá để khuyến khích đầu tư.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Lai Châu sẽ ban hành những chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất tại các điểm du lịch cộng đồng đã được công nhận. Tăng cường mở các lớp, chương trình đào tạo kỹ năng nghiệp vụ buồng, bếp, hướng dẫn viên các hộ gia đình trực tiếp tham gia phục vụ khách du lịch, để ngành du lịch – dịch vụ theo mô hình làng du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái chuyên nghiệp hơn.
Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch homestay như là một sản phẩm chủ lực của du lịch Lai Châu. Ngành du lịch Lai Châu cũng cần tăng cường sự hợp tác, kết nối với các công ty lữ hành để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo cơ hội cho du khách khám phá, trải nghiệm.
Các doanh nghiệp lữ hành cần chủ động chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng cho người dân địa phương để cùng nhau góp sức tạo nên những điểm đến hấp dẫn.
Ngoài ra, phát huy hiệu quả nhất tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách, tỉnh Lai Châu đã xây dựng kế hoạch, giải pháp để tạo dấu ấn riêng cho du lịch cộng đồng.
Tỉnh Lai Châu đã tích cực phát triển thị trường du lịch, dịch vụ, sản phẩm du lịch thông qua việc tổ chức, tham gia các sự kiện, hội nghị, đón đoàn Famtrip, Caravan, hội chợ du lịch và du lịch quốc tế thường niên. Phối hợp xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng và lợi thế sẵn có. Phát triển dịch vụ đáp ứng nhu cầu của nhân dân, khách du lịch, khách công vụ khi đến tham quan và làm việc tại Lai Châu.
Tổ chức 34 khóa tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho trên 1.500 lượt học viên là cán bộ, nhân viên, quản lý khách sạn và người dân trên địa bàn toàn tỉnh nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch. Xúc tiến quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức và tăng cường liên kết phát triển du lịch; đầu tư hạ tầng phát triển du lịch...
UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030". Lai Châu sẽ huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo đề án, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Lai Châu phấn đấu xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đạt sản phẩm OCOP 4 - 5 sao; xây dựng 1 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu quốc gia, tiến tới đề nghị công nhận điểm du lịch cộng đồng ASEAN.
Ngành du lịch Lai Châu tiếp tục xây dựng chương trình tập huấn, thành lập đoàn cán bộ và các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch. Tổ chức chương trình tham quan học tập kinh nghiệm phát triển du lịch, các mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái tại các tỉnh có nét tương đồng nhằm nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng cho người dân, từ đó giúp họ thay đổi tư duy, quan tâm đầu tư khai thác sản phẩm du lịch này một cách bền vững.
Du lịch cộng đồng mang bản sắc riêng
Với xu hướng du lịch hiện nay của đa số du khách, đặc biệt là khách quốc tế thích tìm về môi trường tự nhiên, hòa mình vào cuộc sống cộng đồng để được trải nghiệm cảm giác 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động” cũng như tìm hiểu nét đặc sắc trong văn hóa bản địa, Lai Châu đã tập trung xây dựng và đưa vào khai thác các điểm du lịch cộng đồng, mỗi điểm đều mang sắc thái và đặc trưng riêng. Có thể kể đến bản văn hóa, du lịch Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ); bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ); bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu); bản Nà Khương; bản Hon (huyện Tam Đường); San Thàng 1 (xã San Thàng); bản Gia Khâu 1 (xã Nậm Loỏng, Tp Lai Châu)…
Nhiều mô hình homestay đạt tiêu chuẩn phục vụ khách được hình thành, nhiều đội văn nghệ phục vụ khách được thành lập, nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như HTX Nà Cang làm bánh của dân tộc Giáy – San Thàng; nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lự ở bản Hon; nghề rèn của dân tộc Mông ở Sin Suối Hồ, tắm lá thuốc của người Dao đỏ ở Sìn Hồ. Bên cạnh đó là nhiều lễ hội truyền thống...
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ du khách đến Lai Châu nói chung và đến các điểm du lịch cộng đồng nói riêng, Sở VHTT&DL tỉnh Lai Châu đã tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, đặc biệt là người dân tham gia vào cung cấp dịch vụ du lịch. Sở VHTT&DL đã tranh thủ sự hỗ trợ của dự án EU, nguồn kinh phí đào tạo của tỉnh để tổ chức các lớp tập huấn như kỹ năng đón tiếp khách, kỹ năng homestay, thuyết minh viên theo tiêu chuẩn VTOS, kỹ năng chế biến các món ăn…
Tỉnh Lai Châu chú trọng phát triển mô hình chăn nuôi, trồng rau màu và các thực phẩm sạch. Đặc biệt, tỉnh có nhiều chính sách đầu tư để phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng, đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Giai đoạn 2016 – 2020, Lai Châu triển khai Đề án 316 của Tỉnh ủy về “Phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020, ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chủ lực: du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh tại khu vực thành phố Lai Châu, huyện Phong Thổ, huyện Tam Đường”.
Đến nay, Lai Châu đã khai thác có hiệu quả một số sản phẩm du lịch cộng đồng tại: bản Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo của huyện Phong Thổ; bản Hon, Sì Thâu Chải, Lao Chải 1, Nà Khương của huyện Tam Đường…
Bản Sin Suối Hồ có 113 hộ, trong đó có 10 hộ làm du lịch theo hình thức nghỉ dưỡng homestay. Trước kia, du khách đến bản chỉ tìm đến địa danh đẹp, thưởng thức các món ăn địa phương và ra về ngay trong ngày.
Nay đến bản Sin Suối Hồ, cùng với tham quan phong cảnh, du khách còn được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của bà con, hòa mình những hoạt động thường ngày, khám phá những món ăn độc đáo. Trung bình mỗi tháng có hàng trăm lượt du khách đến du lịch và nghỉ dưỡng tại bản Sin Suối Hồ, trong đó đa số là du khách nước ngoài.
Giai đoạn tới, Lai Châu tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, kết nối sản phẩm nội vùng, liên vùng và quốc tế. Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ du lịch. Đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch mà tỉnh có lợi thế như: Du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, độc đáo của các dân tộc; du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp và các danh lam thắng cảnh; du lịch thể thao mạo hiểm gắn với khai thác, chinh phục các đỉnh núi cao.
Riêng du lịch cộng đồng sẽ tập trung lấy cộng đồng dân tộc làm trung tâm để phát triển. Phục hồi, phát huy chính những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, tốt đẹp, sức hấp dẫn từ ẩm thực, văn hóa, văn nghệ dân gian của mỗi cộng đồng để phát triển du lịch, đem lại lợi ích kinh tế và tinh thần cho cộng đồng đó.
Quỳnh Nga