Giá vé ‘nóng rẫy’, lại khan hiếm
Dù các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air mới đây đã cấp tập tăng tải bay nội địa, kể cả vào "giờ xấu" như bay đêm, sáng sớm, rút ngắn thời gian quay đầu tàu bay,… nhưng giá vé máy bay từ Hà Nội/TP.HCM tới các điểm du lịch nổi tiếng vẫn “căng như dây đàn”, nhiều chặng bay còn ít, thậm chí có tuyến đã cạn.
Anh Nguyễn Hiếu, một công chức ở Hà Nội, vừa khảo giá vé máy bay cho chặng đi Phú Quốc, tranh thủ kỳ nghỉ dài 5 ngày dịp 30/4-1/5 để cả nhà được xả hơi. Anh choáng váng vì riêng tiền vé máy bay cho 4 người trung bình hết hơn 33 triệu đồng, chuyển sang đi Nha Trang cũng gần 27 triệu đồng.
Với số tiền đó, anh ngậm ngùi báo với vợ con chuyển hướng khác, hoặc đi gần hoặc đi bằng xe ô tô nhà. “Giá tầm 4-5 triệu đồng/chặng khứ hồi thì tôi còn gồng gánh được, chứ mức giá trên e rằng đi du lịch về túi rỗng”, anh nói.
Theo khảo sát của PV ngày 15/4, giá vé máy bay cho kỳ nghỉ 5 ngày từ 27/4-1/5 đang nóng rẫy.
Cụ thể, nếu ngày 14/4, giá vé chặng Hà Nội đi Phú Quốc giá trung bình từ 8,3 triệu đồng/chặng/khứ hồi (đã gồm thuế, phí) bay Vietjet Air thì bay Vietnam Airlines là hơn 11 triệu đồng hạng phổ thông, thậm chí hạng thương gia một chiều đã lên tới 13 triệu đồng. Sang ngày 15/4, chỉ còn vé chặng đi từ Hà Nội của Vietjet, giá thấp nhất từ 3,9 triệu đồng, chặng về 1/5 đã hết; còn hệ thống của Vietnam Airlines không hiển thị chuyến bay nào.
Chặng Hà Nội đi Nha Trang giá vé khứ hồi là 6,7 triệu đồng, Hà Nội - Quy Nhơn 6,4 triệu đồng, Hà Nội - Đà Nẵng trên 4,5 triệu đồng, Hà Nội - Đà Lạt gần 6,2 triệu đồng,...
Từ TP.HCM đi Đà Nẵng hay Côn Đảo, giá vé cũng lên tới gần 4,9 triệu đồng.
Giá vé này đắt ngang ngửa dịp Tết Nguyên đán 2024 vừa qua.
Nếu hành khách chấp nhận bay khung giờ xấu, giá có thấp hơn nhưng không đáng kể, chỉ vài trăm nghìn đến khoảng 1 triệu đồng/vé. Một số chặng vé đang cạn nhanh, như đi Phú Quốc, Quy Nhơn, Đà Lạt, trong chặng bay đến Tuy Hòa (Phú Yên) hết nhẵn vì chỉ duy nhất 1 hãng khai thác.
Cập nhật tình hình đặt giữ chỗ trên các đường bay du lịch giai đoạn cao điểm 30/4 (tính đến 14/4) của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), tại một số chặng nóng, công suất đặt chỗ lên khá cao. Điển hình như ngày đi 27/4, chặng Hà Nội - Điện Biên đã kín hơn 80% số chỗ (do sự kiện Năm du lịch quốc gia), Hà Nội đi Huế, Phú Quốc, Cần Thơ, Quy Nhơn,… đều trên dưới 70%; TP.HCM đi Điện Biên, Phú Quốc Tuy Hòa,… trên 70%, đi Côn Đảo gần như hết chỗ.
Ngày về 1/5, vé máy bay bớt căng thẳng nhưng một số chặng từ Phú Quốc, Nha Trang về Hà Nội kín chỗ gần 80%,...
Về khả năng giá vé máy bay hạ nhiệt sát kỳ nghỉ lễ do người dân thấy đắt đỏ nên chuyển hướng, trao đổi với PV. VietNamNet, ông Lê Trung Tín, CEO Công ty Du lịch Tín Việt, khẳng định không có tình trạng này. Năm nay, các hãng hàng không thiếu máy bay, cung ít trong khi người dân được nghỉ dài 5 ngày nên nhu cầu vẫn lớn, giá trần vé máy bay lại tăng.
Giám đốc Công ty AZA Travel, ông Nguyễn Tiến Đạt, cũng cho rằng khả năng này là khó. Chỉ một bộ phận trung gian (các đại lý) có thể ôm vé từ sớm để bán hưởng chênh lệch, nếu cung nhiều hơn cầu vào sát kỳ nghỉ giá sẽ hạ. Nhưng từ bài học xả vé máy bay giá rẻ dịp 30/4 năm ngoái, năm nay bản thân các đại lý cũng không dám ôm nhiều.
Du lịch bị động, xoay xở
Trước việc giá vé máy bay tăng cao, ông Nguyễn Tiến Đạt cho hay AZA Travel đã không tập trung vào làm tour bay nội địa mà chuyển hướng sang bán tour Đông Nam Á, Trung Quốc (đường bộ, đường bay) Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản,... nhờ giá tour tăng không nhiều, chỉ 15-20% so với mức tăng lên tới 50% của tour nội địa.
Ngoài ra, doanh nghiệp chuyển hướng sản phẩm đường bộ, đi gần Hà Nội như các lễ hội mở cửa biển dịp 30/4 tại Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn,... phía Nam là Vũng Tàu, Mũi Né - Phan Thiết, Đà Lạt,…
Do đó, vị CEO này dự báo các điểm đến trên hệ thống phòng khách sạn sẽ chật kín phòng, thậm chí một số điểm hót 27/4 đã hết. Các địa phương có nguy cơ dư phòng chỉ có thể là Phú Quốc do phụ thuộc đường bay, hay Nha Trang và Đà Nẵng vì nguồn cung phòng quá lớn.
Trong khi đó, đại diện Best Price, Giám đốc Marketing Bùi Thanh Tú, chia sẻ, với tour nội địa trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 và dịp hè, nhiều khách hàng thấy chặng bay tới Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đắt đỏ nên đã từ chối mua tour.
Khi kỳ nghỉ 5 ngày được thông qua, công ty lập tức liên hệ với các đối tác để ôm thêm phòng, vé máy bay và tàu hỏa để xây dựng các chương trình tour phù hợp. Từ đầu tuần đến nay, lượng khách đặt tour 30/4 tăng 20-30%, song chủ yếu là tour đường bộ. Ngoài ra, xu hướng đi nước ngoài vẫn là chủ yếu, chiếm tới 70%, ông Tú nói.
Tuy nhiên, hầu hết công ty lữ hành đều cho rằng việc chốt ngày nghỉ lễ muộn hơn các năm trước khiến việc kinh doanh bị động.
Ông Lê Trung Tín phản ánh, hầu hết khách đã lên lịch cho kỳ nghỉ lễ Giải phóng năm nay. Việc thông tin được nghỉ hoán đổi ngày muộn hơn mọi năm khiến các công ty lữ hành mất một lượng khách nhất định.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, cơ bản khách đi chơi dịp lễ 30/4-1/5 đã có lịch trình, chủ động xin nghỉ thứ Hai. Các công ty du lịch muốn khai thác thêm tour tuyến dài 4-5 ngày cần làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ, xây dựng sản phẩm mới. Nay còn chưa đầy 2 tuần nên phải “vắt chân lên cổ”, nhất là với tour đi nước ngoài yêu cầu visa.
“Nghỉ 5 ngày là tốt nhưng việc chốt muộn làm các công ty du lịch bị động. Chúng ta nên có kế hoạch nghỉ sớm, nếu để đến phút cuối mới quyết định sẽ tạo ra tiền lệ xấu, khách sẽ không đặt trước hoặc có kế hoạch dài hạn”, ông Hoan nói.
Ông Nguyễn Tiến Đạt cũng nhận xét, việc có lịch nghỉ muộn nên các tour đường dài như đi châu Âu, Mỹ, Úc,… cần visa sớm bị nhỡ; các tour đi Đông Bắc Á vẫn còn kịp nhưng số lượng không nhiều, ngoại trừ đi Đông Nam Á dễ hơn vì không cần xin thị thực. Ông Đạt kiến nghị, cần có kế hoạch hoán đổi lịch nghỉ lễ sớm, để đỡ bị động cho cả khách du lịch, công ty lữ hành và hàng không.
4 lý do khiến giá vé máy bay nóng trên toàn cầu Nghiên cứu từ Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA) cho hay, giá vé máy bay trên thế giới tăng cao và tới đây có thể tăng nữa do 4 nguyên nhân chính: Thứ nhất, tình trạng thiếu hụt tàu bay trên diện rộng xảy ra với các hãng hàng không trên thế giới sẽ tiếp diễn. Đó là do các vấn đề kỹ thuật xảy ra với hai nhà sản xuất tàu bay Airbus và Boeing. Trong khi các tàu bay chủ lực A320, A321 của Airbus phải triệu hồi để sửa chữa động cơ thì Boeing gặp phải sự cố kỹ thuật về dòng máy bay thế hệ mới 737. Thứ hai, chi phí nhiên liệu tàu bay cùng các yêu cầu về chuyển đổi nhiên liệu, cắt giảm khí thải, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường ngày càng cao và khắt khe tạo áp lực lên chi phí quản lý, vận hành của các hãng hàng không và tạo đặt áp lực lên giá vé. Thứ ba, sau khi kết thúc giai đoạn “du lịch trả thù” của hành khách sau thời gian Covid-19 và nhu cầu đi máy bay tăng trở lại, các hãng hàng không dần dần tăng giá vé để cân đối tài chính. Thứ tư, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ trong ngành hàng không chưa được cải thiện. Ngoài ra, giá vé máy bay tăng còn xuất phát từ các vấn đề có tính chất toàn cầu, như áp lực do tăng tỷ giá đồng USD; xung đột vũ trang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng vật tư, thiết bị hàng không, đồng thời làm thay đổi lịch trình các chuyến bay. Theo Báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) do FCM Consulting cung cấp, cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17-25% so với năm 2019, như châu Á tăng 21%; Úc, New Zealand tăng 22%; châu Âu tăng 18%; Nam Mỹ tăng 25% và Bắc Mỹ tăng 17%. FCM Consulting dự báo giá vé máy bay toàn cầu tăng 3-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng. |