Thông tin trên được bà Trần Thị Lan Hương, Chuyên gia quản trị công cao cấp của Ngân hàng Thế giới đưa ra tại “Hội thảo dữ liệu số cơ hội đột phá và phát triển TP.HCM”, trong khuôn khổ sự kiện “Tuần lễ chuyển đổi số TP.HCM năm 2023” với chủ đề “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số”, được tổ chức ngày 17-18/10.
Giá trị to lớn của dữ liệu
Theo bà Trần Thị Lan Hương, năm 2021, chủ đề báo cáo phát triển thế giới là về dữ liệu, dữ liệu đang làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Báo cáo đã nói rất nhiều về tầm quan trọng của dữ liệu và đề cập đến câu chuyện các quốc gia sử dụng dữ liệu như thế nào trong hoạch định chính sách cũng như trong phát triển kinh tế xã hội.
Cụ thể, báo cáo ghi lại trong vòng 3 thập kỷ qua các hoạt động kinh tế - xã hội dựa trên dữ liệu gia tăng một cách chóng mặt và từ năm 1990 đến thời điểm báo cáo xây dựng năm 2021, tỉ lệ thương mại dịch vụ dựa trên dữ liệu chiếm hơn 50% tổng dịch vụ thương mại toàn cầu. Các dịch vụ thương mại khác như giao thông vận tải, hàng hoá trước đó chiếm tỉ trọng lớn, nhưng đến đầu năm 2021, tỉ trọng này đã chuyển dịch qua dữ liệu.
Bà Trần Thị Lan Hương cho biết, theo Data Never Sleeps, mỗi 1 phút trôi qua có đến 6 triệu lệnh tìm kiếm trên Google toàn cầu, 65% người dân toàn thế giới sử dụng Internet, 93% số người sử dụng Internet trên điện thoại thông minh. Tất cả các dịch vụ trong tương lai liên quan đến dữ liệu mà người dùng sẽ hướng đến là trên trên điện thoại thông minh.
Lợi ích kinh tế - xã hội dựa trên dữ liệu là vô cùng lớn. Tại Đông Nam Á, ước tính tới năm 2030, dữ liệu lớn và phân tích sẽ giúp mang lại doanh thu hơn 100 tỷ USD mỗi năm chỉ từ giáo dục và y tế. Trong khi đó, tại Argentina, dữ liệu định danh người đóng thuế giúp nước này xác định đối tượng thụ hưởng của các chương trình xã hội, từ đó tiết kiệm được 143 triệu USD trong 8 năm. Australia sử dụng dữ liệu lịch sử của bệnh viện để tạo ra Công cụ Dự đoán nhập viện, dự đoán lượng bệnh nhân, mức độ khẩn cấp… ước tính tiết kiệm được 23 triệu AUD hàng năm. Còn Thái Lan sử dụng cơ sở dữ liệu về định danh và dân số để tăng phạm vi bảo hiểm từ 71% lên đến 91%.
Tại Singapore, dữ liệu còn được dùng để quy hoạch đô thị. Cụ thể, Cơ quan Tái phát triển Đô thị (URA) đã khai thác những công nghệ số để lập kế hoạch và đưa ra quyết định dựa nhiều hơn vào dữ liệu. Chẳng hạn, dữ liệu cho thấy hầu hết mọi người làm việc gần Trung tâm khu vực Tampines cũng cư trú ở khu vực phía đông và đông bắc của nước này. Do đó, các tuyến giao thông được thiết kế để người dân có thể đi từ nhà đến nơi làm việc trong vòng 45 phút bằng phương tiện giao thông công cộng.
Dữ liệu cũng hỗ trợ đưa ra quyết định chính xác hơn trong quy hoạch phát triển đô thị. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, nó được đưa vào dịch vụ thông tin đèn giao thông theo thời gian thực thông qua các ứng dụng điều hướng phổ biến tại Seoul.
Tại Việt Nam, theo bà Trần Thị Lan Hương, có thể khai thác dữ liệu từ GPS để phân loại các phương tiện giao thông đang hoạt động. Đây là nguồn dữ liệu lớn không chỉ phục vụ cho quản lý giao thông mà còn giúp kiểm soát giao thông.
Các yếu tố đảm bảo dữ liệu được khai phá tạo ra giá trị
Đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết, yếu tố quyết định thành công trong thực hiện chiến lược quản trị dữ liệu đầu tiên nằm ở cấp lãnh đạo thông qua việc cam kết, hỗ trợ, quyết định đầu tư trọng điểm; Tiếp đến là triển khai nhanh các trường hợp ứng dụng; Phân công vai trò rõ ràng trong việc quản lý dữ liệu như chủ quản dữ liệu, giám quản dữ liệu, người dùng; Quản lý dữ liệu thông qua chính sách, kiến trúc và chất lượng dữ liệu; Cuối cùng là công nghệ tích hợp dữ liệu và nền tảng chia sẻ dữ liệu.
Để làm được điều đó cần phải quản lý dữ liệu theo vòng đời, đơn cử như xác định vấn đề dữ liệu dùng để làm gì sau đó tiến hành thu thập, tổng hợp, truy cập và phân tích, khai thác dữ liệu. Điều này đòi hỏi về nhân sự và năng lực, các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống và hạ tầng số, bên cạnh đó là các quy trình và cơ cấu tổ chức, các yếu tố luật pháp, chính sách và chiến lược.
Mấu chốt của quá trình tạo ra giá trị dữ liệu là phải liên tục tích hợp, phân tích, tạo giá trị gia tăng từ các nguồn dữ liệu khác nhau như: Dữ liệu lớn (cảm biến, viễn thông, vệ tinh) kết hợp với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Cần có cơ quan đầu mối để thúc đẩy, điều phối và thiết kế các giải pháp khai phá dữ liệu số. Dịch vụ khai phá dữ liệu phải thích ứng để biến công dân và doanh nghiệp thành trọng tâm của chuyển đổi số. Tạo lập, chia sẻ, khai phá dữ liệu và đồng sáng tạo dịch vụ dữ liệu theo cách tiếp cận của tất cả mọi người.
Bà Trần Thị Lan Hương nhấn mạnh, chuyển đổi số và quản trị dữ liệu là một hành trình, cần phải cải tiến phù hợp với các tiến bộ công nghệ theo thời gian.