Thời gian qua, Sở Y tế tỉnh Bình Định đã có những bước tiến mới trong công cuộc chuyển đổi số. Nhờ áp dụng chuyển đổi số, sở cũng như người dân thực hiện nhiều thủ tục hành chính, khám chữa bệnh nhanh chóng, đơn giản hơn.
Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế Bình Định xung quanh nội dung này.
Dữ liệu số làm trụ cột
- Chuyển đổi số được tỉnh Bình Định cũng như Bộ Y tế chú trọng nhằm đáp ứng việc giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời hỗ trợ người dân trong quá trình thăm khám, chữa bệnh. Ông có thể cho biết, thời gian qua, Sở Y tế Bình Định đã thực hiện những gì trong quá trình này?
Thời gian qua, Sở Y tế Bình Định đã triển khai chuyển đổi số trong đơn vị theo hướng đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Một trong số đó là triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, triển khai, xây dựng 4 nền tảng theo Quyết định của Bộ Y tế về nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử, nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa, nền tảng tiêm chủng, nền tảng Trạm Y tế xã, trong đó nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử là nền tảng trọng tâm, cốt lõi của chuyển đổi số ngành y tế.
Sở đã xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử đáp ứng việc mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử được cập nhật liên tục, đẩy đủ, chính xác từ các nguồn dữ liệu tiêm chủng (tiêm chủng Quốc gia VNVC, tiêm chủng Covid-19); nguồn dữ liệu khám chữa bệnh (phần mềm Quản lý bệnh viện, phần mềm Quản lý y tế cơ sở) của các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh; đồng thời hình thành kho dữ liệu chuyên ngành dùng chung của ngành y tế.
Nền tảng Quản lý tiêm chủng quốc gia và nền tảng tiêm chủng Covid-19 đã được kết nối lần lượt vào ứng dụng Sổ tiêm chủng và Sổ sức khỏe điện tử của người dân.
Các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh đã được trang bị cầu truyền hình trực tuyến (hệ thống trực tuyến Polycom) và chỉ dừng ở mức đào tạo từ xa, hội họp trực tuyến. Có 30 trạm y tế tuyến xã đang thực hiện triển khai thí điểm tư vấn khám chữa bệnh từ xa theo sự hỗ trợ từ Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế.
Đã triển khai xây dựng hệ thống quản lý toàn diện các hoạt động của trạm y tế tuyến xã. Tỉnh cũng kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống khám chữa bệnh của các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh, liên thông dược quốc gia, đơn thuốc điện tử của Bộ Y tế. Kết nối liên thông phần mềm quản lý y tế cơ sở của trạm y tế tuyến xã vào hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử nhằm đối chiếu, cập nhật thông tin hành chính, kiểm tra giám sát dữ liệu sức khỏe đảm bảo công tác khám chữa bệnh của người dân; nắm bắt, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân theo hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng từng bước chuẩn bị triển khai “Bệnh án điện tử” theo Thông tư số của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt cấp kinh phí đầu tư hạ tầng CNTT cho bệnh viện đa khoa tỉnh để triển khai Bệnh án điện tử. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai thực hiện các bước tiếp theo để hoàn thiện thành công Bệnh án điện tử theo quy định.
Tỉnh trang bị máy quét thẻ CCCD gắn chip để phục vụ người bệnh, người dân trong khám bệnh, chữa bện. Triển khai thanh toán chi phí khám chữa bệnh không dùng tiền mặt trong khám và điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh, Giấy báo tử, Giấy khám sức khỏe lái xe lên cổng Giám định BHYT theo quy định phục vụ cho cấp đổi Giấy phép lái xe trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh.
Đặt người dân làm chủ thể chính
- Ông có thể chia sẻ, trong quá trình áp dụng chuyển đổi số vào Sở Y tế, đơn vị đặt vấn đề nào lên hàng đầu? Sở đã thực hiện điều đó ra sao?
Trong quá trình chuyển đổi số tại Sở Y tế, vấn đề được sở đặt lên hàng đầu có 2 nhiệm vụ cần phải thực hiện. Điều đầu tiên, phải xây dựng được kho dữ liệu chuyên ngành dùng chung cho ngành y tế và của tỉnh. Dữ liệu khám chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh phải được liên thông về kho dữ liệu dùng chung của ngành, nhằm đáp ứng cho công tác chỉ đạo điều hành của ngành, của tỉnh được chính xác, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và phục vụ cho nghiên cứu khoa học…
Thứ nữa, xây dựng triển khai thành công Bệnh án điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh theo đúng lộ trình quy định của Bộ Y tế.
Đến nay, ngành Y tế đã triển khai thành công được các cơ sở khám chữa bệnh công lập trực thuộc Sở đã liên thông được dữ liệu khám chữa bệnh của đơn vị về dữ liệu dùng chung của ngành thông qua nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân và dữ liệu đã được liên thông lên Sở sức khỏe điện tử tích hợp trong ứng dụng VNeID phục vụ cho người dân có thể theo dõi sức khỏe của mình liên tục và suốt đời. Các cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai thành công số hóa bệnh án điện tử, là tiền đề tiến đến Bệnh án điện tử hoàn chỉnh khi các đơn vị trang bị đáp ứng các tiêu chí theo Thông tư của Bộ Y tế.
- Vậy người dân, đặc biệt là bệnh nhân sẽ được hưởng lợi gì trong quá trình chuyển đổi số tại đơn vị mình, thưa ông?
Bệnh nhân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế chính thống, có thể tự theo dõi và chăm sóc sức khỏe của bản thân một cách hiệu quả hơn. Cho phép tích hợp và phân tích dữ liệu y tế một cách hiệu quả, giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp hơn với từng bệnh nhân.
Cùng với đó, người dân dễ dàng giải quyết thủ tục hành chính thông qua môi trường điện tử, từ khi tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính đến khi trả kết quả.
Ông có thể nói rõ hơn, bước chuyển mình trong chuyển đổi số tại Sở Y tế Bình Định đến từ đâu?
Trong thời gian đầu, việc triển khai chuyển đối số cho ngành y tế cũng đầy gian nan và vất vả, chưa biết phải xây dựng từ đâu và như thế nào cho hợp lý, thống nhất, hiệu quả. Từ đó, Sở thành lập đoàn công tác (gồm: lãnh đạo Sở, lãnh đạo các phòng nghiệp vụ thuộc Sở và lãnh đạo, CNTT, các thành viên có liên quan của đơn vị) tham quan, học hỏi một số tỉnh bạn để tìm ra hướng triển khai chuyển đổi hiệu quả cho ngành mình.
Thực trạng lúc ban đầu triển khai chuyển đối số, các đơn vị đã sử dụng rất nhiều phần mềm Quản lý tổng thể bệnh viện (HIS) của nhiều nhà cung cấp khác nhau, dữ liệu rời rạc, không liên thông, không đồng bộ, số liệu báo cáo không kịp thời, không đầy đủ theo yêu cầu. Các đơn vị đã dùng các phần mềm như: VMES, Medisoft, Hsoft, FPT.
Để khắc phục được các tình trạng nêu trên, định hướng chung của sở là làm thế nào thống nhất một sản phẩm phần mềm sử dụng chung cho toàn ngành nhằm liên thông dữ liệu khám chữa giữa các đơn vị với nhau và với sự thống nhất cao của các đơn vị.
Đến nay, dữ liệu khám chữa bệnh của các đơn vị đã liên thông và chuyển về nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử của ngành, của tỉnh, của địa phương (đó cũng chính kho dữ liệu chuyên ngành dùng chung của ngành).
Tiếp tục áp dụng công nghệ vào khám chữa bệnh
- Thời gian đến, Sở Y tế Bình Định có những giải pháp, phương án gì cho chuyển đổi số?
Thời gian đến, các cơ sở y tế khám chữa bệnh Trung ương, các bệnh viện ngoài công lập, các phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn tỉnh phải liên thông được dữ liệu khám chữa bệnh của đơn vị về kho dữ liệu dùng chung của ngành, của tỉnh, của địa phương để dữ liệu khám chữa bệnh của người bệnh, người dân được đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ hiệu quả cho công tác chỉ đạo điều hành chính xác, kịp thời của ngành và của tỉnh; đồng thời giúp người dân theo dõi tình trạng sức khỏe của mình đầy đủ, liên tục, suốt đời.
Sở sẽ yêu cầu nhà cung cấp phần mềm xây dựng giao diện API dùng chung để các cơ sở y tế khám chữa bệnh Trung ương, các bệnh viện ngoài công lập, các phòng khám đa khoa tư nhân nâng cấp, bổ sung phân hệ phần mềm (HIS) của đơn vị liên thông dữ liệu khám chữa bệnh về nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử của ngành.
Thực hiện liên thông dữ liệu chuyên ngành dùng chung của ngành với dữ liệu chuyên ngành dùng chung của Bộ Y tế để thống nhất chung trên toàn quốc và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ đó, dữ liệu của quốc gia được phong phú, đầy đủ phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực y tế dự phòng chính xác, đúng, kịp thời. Mặt khác, dữ liệu của người bệnh, người dân khi khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh khác nhau trên toàn quốc được đồng bộ, liên thông để người dân theo dõi sức khỏe của mình đầy đủ, liên tục.
Yêu cầu nhà cung cấp phần mềm nâng cấp, bổ sung phân hệ phần mềm nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử của ngành theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế theo quy định để liên thông dữ liệu khám chữa bệnh của ngành về Bộ Y tế và ngược lại.
Các cơ sở y tế khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh phải triển khai hoàn thiện thành công Bệnh án điện tử theo lộ trình quy định của Bộ Y tế.
Kế hoạch triển khai thực hiện các nền tảng số y tế trong quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định đưa ra định hướng cụ thể theo từng gia đoạn. Trong đó, năm 2023, sẽ triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TTBYT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử. Tiếp tục hoàn thiện Nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử, bước đầu hình thành hệ thống chỉ đạo điều hành ngành y tế tỉnh. Giai đoạn 2023 - 2025 sẽ thúc đẩy việc hoàn thiện các hệ thống thông tin tại các cơ sở y tế. Hình thành kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử và kho dữ liệu y tế tỉnh. Thúc đẩy đăng ký và tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Giám sát an ninh mạng; kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân. Kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế… Tỉnh đặt ra mục tiêu từ năm 2026 – 2030, hoàn thiện số hóa dữ liệu sức khỏe người dân, hình thành kho dữ liệu về y tế, như: Hồ sơ sức khỏe điện tử, Bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa …Tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT (công lập và tư nhân) trên địa bàn tỉnh phải hoàn thành: Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy; chẩn đoán hình ảnh chỉ sử dụng phim số; người dân có thể thực hiện đăng ký khám và đăng ký tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó các cơ sở khám, chữa bệnh khu vực đô thị phải đạt tối thiểu 50% giá trị thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trên tổng giá trị thanh toán viện phí của từng đơn vị. Tổ chức khai thác, sử dụng dữ liệu từ các nền tảng số y tế. Hồ Giáp |
Công Sáng - Diễm Phúc