Ước mơ nuôi tôm thẻ xuất khẩu chất lượng cao
Ngày 17/9/2015, UBND tỉnh Bình Định có công văn số 4475, chấp thuận cho Công ty TNHH Thành Ly đầu tư dự án khu nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao. Dự án khu nuôi được hình thành tại địa bàn hai xã Cát Thành, Cát Hải (huyện Phù Cát, Bình Định).
Có ai ngờ rằng, 8 năm sau ngày văn bản trên được ban hành, từ một khoảnh đất hoang vu ven biển, tổ hợp nuôi tôm công nghệ cao tại đây đã đạt doanh thu gần 2 triệu USD/năm (hơn 40 tỷ đồng).
Dưới cái nắng biển ngập gió, nông dân Phan Châu Thành (57 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Thành Ly cầm con tôm thẻ trên tay, nở nụ cười rạng rỡ. 27 hồ tôm của ông đang cho sản lượng khoảng 350 tấn tôm thương phẩm/năm. Trong đó, 50% số tôm được bán trực tiếp cho Tập đoàn CP (Thái Lan), để xuất khẩu sang Nhật Bản, EU.
Theo ông Thành, đối tác nước ngoài yêu cầu rất khắt khe về chất lượng tôm. Cụ thể, 1 ngày trước khi doanh nghiệp xuống thu mua tôm, ông phải gửi mẫu tôm tại hồ tới cho đối tác xét nghiệm toàn bộ chỉ số. Sau khi lấy tôm, phía CP tiếp tục mang thành phẩm về xét nghiệm lại.
“Nuôi bình thường không thể thể bán cho CP. Họ khó tính và không bao giờ chấp nhận trong tôm có kháng sinh hoặc nhiễm hoá chất. Để có thành quả hôm nay, đâu phải một sớm một chiều”, đứng bên ao nuôi, ông Thành với gương mặt sạm đen kể lại.
Thời điểm ông quyết định đầu tư nuôi tôm tại đây, khu đất ven biển bỏ hoang. Gia đình ông phải trồng hàng nghìn cây dừa và phi lao bao quanh tổ hợp nuôi để chắn gió cho ao tôm. Số tiền được ông đầu tư cho hạ tầng là rất lớn. Một ao nuôi có số vốn khoảng 1 tỷ đồng, gồm: 4 giàn đảo nước, 1 giàn đẩy khí oxy, hệ thống xử lý nước tuần hoàn khép kín. Chi phí trên chưa tính tôm giống. Ngoài ra, ông còn xây bể chứa riêng, xử lý nước đạt chuẩn, trước khi bơm nước vào từng ao nuôi.
Công nghệ “tự làm sạch”
Tuy nhiên, điểm mấu chốt quyết định thành công của tổ hợp nuôi tôm là công nghệ biofloc.
Anh Phan Đình Nhân (27 tuổi), con trai ông Thành đầy hứng khởi khi chia sẻ về công nghệ có nguồn gốc từ Israel này. Ở đây, một loại men vi sinh được đưa vào ao nuôi. Enzyme của men tương tác với chất hữu cơ trong nước (phân tôm, chất lơ lửng, xác tảo), tạo thành những hạt chất mới lơ lửng trong nước – được gọi là biofloc.
Chính những hạt này lại tạo ra nguồn chất dinh dưỡng mới cho tôm, tôm có thể ăn hạt, đây như dạng mô hình tuần hoàn. Quá trình tương tác giúp cải thiện chất lượng nước trong ao nuôi, đồng thời, giảm hệ số thức ăn đầu vào, giảm chi phí vệ sinh, thay nước ao so với cách nuôi truyền thống.
“Các chất hữu cơ trong nước lâu ngày không xử lý, sẽ mau làm dơ nước ao nuôi. Do đó, khi áp dụng biofloc, chi phí thức ăn giảm 10-15%. Số lượng lao động chăm sóc hồ cũng giảm 50%”, anh Nhân nói.
Trước đây, với phương pháp nuôi truyền thống, cứ mỗi 2-3 ngày, một hồ nuôi 2.000 m3 phải thay 20% nước. Còn công nghệ biofloc tự làm sạch nước, người nuôi chỉ cần bổ sung lượng nước bay hơi tự nhiên cho các hồ.
Cũng theo anh, quá trình thử nghiệm công nghệ phải trải qua khoảng 1 năm với chi phí bỏ ra tương đương 1 tỷ đồng. Sau đó, người nuôi phải tiếp tục điều chỉnh mật độ biofloc trong nước, không quá nhiều, cũng không quá ít, phù hợp theo diễn biến khí hậu để tôm được phát triển tốt nhất.
Trái ngọt sau hành trình gian nan của người nông dân, chính là việc tôm sạch được đối tác nước ngoài thu mua với mức giá cao hơn trung bình thị trường khoảng 10.000 đồng/kg. Vi dụ, giá tôm bán cho thị trường nội địa 130.000 đồng/kg thì đối tác CP sẵn sàng mua với mức giá 140.000 đồng/kg (loại 50-70 con/kg).
"Thành công có giá của thành công"
Ngoài công ty của gia đình ông Thành, địa bàn tỉnh Bình Định còn có Công ty Việt Úc (huyện Phù Mỹ) và Công ty Ngọc Châu (huyện Phù Cát) là các đơn vị cũng đang áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao nêu trên. Ước tính, toàn tỉnh có diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là 110 ha, cho sản lượng khoảng 3.800 tấn/năm.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, người nuôi tôm thường đối mặt với nguy cơ về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc chuyển đổi sang công nghệ mới là hướng đi phù hợp, giúp người nuôi tôm ổn định, bền vững với nghề. Nuôi theo công nghệ mới khắc phục được vấn đề ô nhiễm nước, giảm lượng thức ăn, dịch bệnh giảm rõ rệt, tiết kiệm chi phí phòng ngừa, chữa bệnh cho tôm. Tổ chức nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ biofloc thành công, sẽ là bước chuyển dần từ mô hình nuôi kiểu cũ sang mô hình mới.
Thời gian tới, tỉnh mong muốn nhân rộng mô hình này. Trong giai đoạn đầu triển khai nuôi, Sở NN&PTNT sẽ cử người thường xuyên xuống tận nơi tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn cho nông dân cách ứng dụng biofloc đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Phan Châu Thành khẳng định, nếu bản thân người nông dân không mạnh dạn đầu tư, thay đổi quy trình nuôi so với truyền thống thì khó đạt được thành quả.
Nhiều người dân biết thông tin và đến học hỏi kinh nghiệm, gia đình ông Thành sẵn sàng chia sẻ. Nhưng, có người về áp dụng thì làm được, có người không và cũng có người bỏ dở giữa chừng. Nhiều người sợ thử nghiệm thất bại sẽ mất sạch tiền, nên họ lại quay về cách nuôi truyền thống.
“Chúng tôi chỉ như một cuốn sách cho bà con đọc và tìm hiểu thông tin. Áp dụng thực tế được hay không là do họ. Nhìn thì đơn giản nhưng trong mỗi hồ nuôi là các chỉ số toán học, vật lý, hoá học để tạo thành một hệ sinh thái cho tôm sinh trưởng, phát triển khoẻ mạnh”.
“Gia đình tôi từng bước đầu tư hạ tầng cho tổ hợp nuôi tôm này. Đến nay, số tiền không dưới 50 tỷ đồng. Đó là vốn liếng tích cóp được sau hàng chục năm trời ăn nằm với con tôm, lại được tái đầu tư. Thành công có giá của thành công”, ông nông dân triệu USD nói.
Trần Chung - Diễm Phúc