Trước lúc vào rạp xem phim Em và Trịnh, tôi cũng loáng thoáng đọc được nhiều bình luận khen chê về mạch phim, tạo hình nhân vật trên các diễn đàn mạng xã hội. Do đó, bản thân cũng xác định việc đi xem với tâm thế không quá kỳ vọng nhằm hạn chế những thất vọng. Dù bộ phim Em và Trịnh không thật sự hoàn hảo nhưng với tôi vẫn là một tác phẩm điện ảnh đáng để thưởng thức. 

Cũng bởi, nhạc Trịnh là tuổi trẻ của tôi và rất nhiều người khác suốt thời niên thiếu đầy tươi đẹp. Vì yêu Trịnh nên mải mê đọc nhiều những bài viết của ông, để chỉ cần nghe nhạc dạo trong phim thì đầu đã tự thấy: “thuở ấy có người con gái đi dưới những hàng long não lá li ti xanh mướt để đến đại học văn khoa Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái vẫn đi qua dưới hàng cây long não.... Người con gái đi qua những hàng cây long não giờ đã ở rất xa, đã có một cuộc sống khác. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên”. 

Về kịch bản, yếu tố đóng vai trò tiên quyết cho thành công của một bộ phim thì ở Em và Trịnh, điều có thể nhận ra ngay là nhà biên kịch đã cố gắng thu gói nhiều tiểu tiết nhất có thể về cuộc đời Trịnh Công Sơn trong một bộ phim với dung lượng 136 phút. Từ sự xuất hiện của các nàng thơ trong cuộc đời của cố nhạc sĩ tài hoa này cho đến hành trình sáng tác nhạc tình rồi nhạc phản chiến, từ quá trình học hành cho đến các mối quan hệ bạn bè với thanh niên trí thức đương thời… tất cả đều được khắc họa chân thật bằng một ngôn ngữ đậm chất điện ảnh trong phim. Theo dõi trọn vẹn mạch phim, khán giả sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về cuộc đời của Trịnh, người nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn nhất trong nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. 

Tuy nhiên, điểm hay cũng là điểm để bàn cãi nhất trong phim khi biên kịch và đạo diễn dường như đang quá ôm đồm các chi tiết trong quá trình kể chuyện. Nếu đang xem một bộ phim tài liệu, tôi hẳn sẽ dành lời khen kịch bản ở những nỗ lực trên đây vừa liệt kê. Nhưng tiếc là bản thân tôi và nhiều khán giả đang xem một bộ phim nghệ thuật, cần hơn cả những góc nhìn nhấn nhá đánh thẳng vào cảm giác của người xem. Vì chờ đợi mãi một sự kiện bước ngoặt, một tình tiết tiêu biểu sẽ đẩy bộ phim lên cao trào giữa trùng điệp quá nhiều tình tiết dàn trải, cá nhân tôi dù yêu thích Trịnh Công Sơn nhưng phải thú thực là có phần thất vọng với bộ phim. 

Những tình tiết lẽ ra có thể trở thành điểm nhấn, ví dụ chuyện Dao Ánh phải đi lấy chồng dù đang trong tình yêu say đắm với Trịnh Công Sơn bỗng nhiên bị xé lẻ ra thành nhiều phân cảnh rời rạc, xen kẽ với các mạch chuyện khác khiến nó không còn sức nặng về mặt cảm xúc. Nhiều chi tiết còn thậm chí thiếu logic tâm lý. Ví dụ cảnh trước Dao Ánh vừa hoang mang phải gặp chồng chưa cưới theo sắp đặt của gia đình thì cảnh sau là Trịnh Công Sơn nhận được lá thư của người yêu.

Bên cạnh đó, có những cảnh, phân đoạn trên phim dường như chỉ xuất hiện vì nên xuất hiện, do muốn đề cập đến một điều gì đó, không mấy liên quan đến mạch truyện chính. Như những cảnh của Thanh Thúy, trường đoạn kịch tích với cảnh mưa rơi ban đầu của Diễm xưa, hoặc cảnh diễn bài hát Huyền thoại mẹ trong hội trường… Dù chẳng có cảnh nào là dở hoặc vụng về nhưng khi đặt cạnh nhau trên nền chung của bộ phim lại dường như chẳng hề thuộc về nhau. 

Tuy vậy, có nhiều điều lớn lao đã kéo lại cho sự ôm đồm quá mức trong cách kể chuyện của Em và Trịnh. Khi xem xuyên suốt bộ phim, yếu tố được tôi đánh giá cao dụng ý của ekip khi khai thác những “bóng hồng” trong đời Trịnh như một chất xúc tác cho sự thăng hoa trong nghệ thuật của ông. Có một sự tách biệt rõ ràng giữa người yêu và những nàng thơ ở cuộc đời Trịnh. Ý tưởng mấu chốt này là chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt khiến khán giả hứng thú khi dõi theo bộ phim. 

Yếu tố thứ hai làm nên thành công cho bộ phim Em và Trịnh là việc khắc hoạ rõ nét lý tưởng nghệ thuật của Trịnh Công Sơn. Sự dụng công rất tỉ mỉ của ekip đối với việc tái hiện bối cảnh miền Nam những năm 1960-70 đều hướng đến một mục đích là phục dựng cuộc đời đi xuyên qua lịch sử của Trịnh. Từ Huế đến B’Lao (Đà Lạt) và Sài Gòn, chúng ta đều sẽ nhìn thấy lại vẻ đẹp hoài cổ của một thời vàng son. Thế nhưng, đó không chỉ là bối cảnh mơ mộng, lãng mạn mà thấp thoáng đâu đó vẫn bị bao trùm trong sự tang tóc, thương đau. Sự xuất hiện của các yếu tố lịch sử trong Em và Trịnh là một điểm cộng rất lớn của bộ phim. Cá nhân tôi tin là nếu hạn chế những phân đoạn này thì giá trị phản ánh hiện thực của bộ phim sẽ giảm đi rất nhiều. 

Bởi lẽ, việc đặt góc nhìn thẳng thắn xem Trịnh Công Sơn như một chứng nhân của lịch sử, một nạn nhân của chiến tranh khiến chúng ta hiểu được lý tưởng của một trí thức trẻ thời loạn, hiểu được khát khao của một người nghệ sĩ “trung lập” nhưng chưa bao giờ đặt mình bên ngoài cuộc chiến và cuộc đời nhân sinh. Hình ảnh chàng nhạc sĩ trẻ luôn ngơ ngẩn, âu sầu vì “không thể viết nổi một bài nhạc vui” khiến tôi thật sự cảm động. 

Nếu như những chuyển biến tâm lý yêu đương của nhân vật Trịnh khiến chúng ta có đôi phần xao nhãng phim thì sự thay đổi về nhận thức của một thanh niên trẻ trước thời cuộc khiến mình ấn tượng hơn nhiều. Hôm qua, có bạn nhắn tin hỏi tôi về sức ảnh hưởng của Trịnh, liệu rằng vào thời điểm ấy vị trí của nhạc sỹ có thật sự lớn tới vậy không? Khi đó, bản thân không chắc chắn lắm nên chưa trả lời. Nhưng sau khi xem xong Em và Trịnh thì tôi tin là từ khi còn sống và đương khi trẻ trung, Trịnh Công Sơn đã thật sự nổi tiếng và đầy sức ảnh hưởng như thế. Bởi với một tư duy âm nhạc, luôn đau đáu nhiều nỗi trăn trở như thế, lời nhạc của Trịnh, tâm hồn của Trịnh chính là tiếng nói đại diện cho những suy tư, trăn trở của cả một thế hệ thuở ấy. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà cho đến thời đại này, Trịnh Công Sơn vẫn là một cái tên không thể bị lãng quên.


Độc giả Nguyễn Huỳnh Minh Ngọc

Độc giả có thể gửi ý kiến về bộ phim Em và Trịnh theo địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn