Góp ý về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 16/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, bạo lực gia đình hiện nay cũng đang là vấn đề rất phức tạp, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em và cả nam giới.
“Khối ông chồng cũng bị bạo lực, không phải không nhưng đúng là nhức nhối về phụ nữ và trẻ em”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về sự cần thiết sửa luật này.
Bạo lực về tinh thần còn nặng nề hơn thể xác nhiều
Đi vào nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ thêm những nội dung liên quan đến bảo vệ nạn nhân bị bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục cần tiếp tục rà soát để làm rõ, đậm hơn.
“Nhiều khi bị bạo lực về tinh thần còn nặng nề hơn thể xác nhiều. Phụ nữ và trẻ em bị bạo lực nhiều mặt về tinh thần và bạo hành này còn nguy hiểm hơn cả về thể chất”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Ông cũng yêu cầu rà soát, nhận diện đầy đủ hơn về các hành vi bạo lực gia đình trên cơ sở bảo đảm tương thích với các quy định của pháp luật quốc tế như bạo lực tình dục mà không giao hợp, hãm hiếp trong hôn nhân, loạn luân, kết hôn sớm và lựa chọn giới tính thai nhi.
“Nhiều chuyên gia cũng nói rằng việc bắt buộc phải lựa chọn giới tính thai nhi cũng là một hành vi bạo lực gia đình có liên quan đến giới. Điều này nhiều lắm, nhất là trong gia đình, người vợ gặp phải định kiến giới rất nhiều”, ông nêu thực tế.
Chủ tịch Quốc hội phân tích, nhiều trường hợp phụ nữ có thai không đúng theo ý muốn, “mấy ông chồng hành hạ cho khủng khiếp lắm chứ không phải đơn giản”. Từ đó cần làm rõ hành vi bắt buộc lựa chọn giới tính thai nhi có phải hành vi bạo lực gia đình không?
Về nhận diện hành vi bạo lực gia đình, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự luật này chưa quy định được hết các đối tượng trên thực tế. Ví dụ những hành vi bạo lực giữa những người sống chung với nhau, đã từng có quan hệ nuôi dưỡng như: Con nuôi, cha mẹ nuôi, nay không còn quan hệ nuôi dưỡng nữa, nhưng có lý do nào đó mà vẫn sống chung với nhau ở một địa điểm như trong một gia đình.
Hoặc con cái khước từ cha mẹ, cha mẹ khước từ con nhưng vẫn sống chung. Những trường hợp đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng cũng tương tự.
“Đặc biệt bây giờ anh Hùng (Bộ trưởng VH-TT-DL) xem rà soát thế nào, cùng với các bộ thuộc khối tư pháp rà như thế nào, tôi thấy chuyện mẹ kế bạo hành đối với con riêng của chồng hoặc chồng xâm hại, bạo hành đối với con riêng của vợ là xảy ra rất nhiều”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Nhắc lại đúc kết của các cụ ngày xưa "mấy đời bánh đúc có xương…", Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tất nhiên bây giờ xã hội phát triển khác rồi nhưng các cụ ngày xưa nói chưa sai câu nào.
Ông yêu cầu sửa luật lần này nhận diện và có biện pháp thế nào để tập trung vào tình trạng này, đặc biệt quan tâm đến đối tượng mẹ ghẻ bạo hành con riêng của chồng, bố dượng hoặc người tình, chưa phải là gia đình nhưng lại xâm hại và bạo hành với con riêng của vợ.
“Việc này diễn ra hàng ngày, rất nhức nhối. Trong luật này rất mong muốn làm sao đó nhấn mạnh những vấn đề này mà đúng là quy định pháp luật cũng rất khó chỗ này. Mong muốn của tôi là như thế, các đồng chí nghiên cứu thêm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trách nhiệm của công an xã là rất nặng nề nhưng rất khó thực hiện
Về các quy định liên quan việc khuyến khích xã hội hóa trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải rõ được trách nhiệm từng bên.
“Những vụ như cháu bé 3 tuổi bị bắn đinh vào trong đầu, bây giờ cơ chế phát hiện, ngăn chặn, xử lý nếu không kịp thời thì trách nhiệm của ai, quy trách nhiệm cho ai. Phối hợp thì phải có anh chủ trì và anh phối hợp, từng việc một”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nhiều bên phối hợp mà lại không có trách nhiệm cuối cùng không bên nào lo, cũng không bằng một bên tự lo.
Góp ý về trách nhiệm của công an xã, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, dự luật quy định 3 điều về trách nhiệm của công an xã là rất nặng nề. Tuy nhiên về thẩm quyền của công an xã trong luật lại không có, thành ra rất khó thực hiện.
“Tôi ví dụ như Điều 28 về tiếp nhận, xử lý thông tin ban đầu, nếu phòng ngừa thì không nói nhưng hành vi bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật, dù là hình sự, dân sự hay là hành chính đều là hành vi vi phạm pháp luật. Điều 28 là công an xã có trách nhiệm xử lý. Điều 53 thì giao cho công an xã giám sát việc thực hiện là cấm tiếp xúc. Đây là một việc giao cho công an xã cũng rất nặng nề”, tướng Lên Tấn Tới phân tích,
Ông dẫn thêm một điều nữa là Điều 32 quy định công an xã yêu cầu người vi phạm về bạo lực gia đình về trụ sở công an xã. “Giả sử các nội dung này người ta không chấp hành này thì công an xã làm sao?”.
Theo ông Tới, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội có cho sửa Bộ luật Tố tụng hình sự cho công an xã thực hiện tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm điều này là rất tốt.
Nhưng việc giám sát thực hiện cấm tiếp xúc nhưng không cho quyền công an xã thì rất khó khăn. Do đó, ông đề nghị trong luật này cũng nên giao quyền cho công an xã, hiện tượng bạo lực gia đình thì phải áp dụng những biện pháp ngăn chặn nào để bảo vệ người tố giác và nạn nhân của bạo lực gia đình.
Bộ trưởng VH – TT – DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, có những nội dung phải được nghiên cứu mở rộng hơn như Chủ tịch Quốc hội đã gợi ý, không chỉ là xem xét bạo lực về mặt thể chất mà còn cả những yếu tố về mặt tinh thần.
“Mặc dù cơ quan soạn thảo đã tính toán nhưng quả thực đây là vấn đề khó vì khó định lượng được nhưng sẽ cố gắng tiếp thu để nghiên cứu nội dung này”, Bộ trưởng nói.
Ông Hùng cam kết sẽ cố gắng hết mức trong khả năng của mình để hoàn thiện dự luật hơn, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội trong thời gian tới.
Kết luận phiên thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để đảm bảo chất lượng dự thảo khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 này.
Thu Hằng
Bé gái bị đóng đinh vào đầu kết thúc cuộc đời trong sự hối hận của mẹ
Nguyễn Thị Luyến cho biết bản thân cảm thấy day dứt và đau xót khi để người tình ra tay hành hạ con gái của mình. Cuộc đời ngắn ngủi của bé A. đã kết thúc trong sự đau đớn.
Hà Nội: Bé 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu tử vong, kẻ thủ ác đối diện án tử
Theo luật sư, hành vi của kẻ đóng đinh vào đầu bé 3 tuổi ở Hà Nội phạm vào khoản 1 tội Giết người, có mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Tiết lộ cuộc điện thoại cầu cứu của ông nội bé 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu
Theo lời kể của nhân viên trực điện thoại Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), nội dung cuộc gọi của ông nội cháu bé 3 tuổi tại Thạch Thất bị đóng đinh vào đầu gây sốc với nhân viên.