Tại hội thảo Ứng dụng công nghệ trong nâng cao năng suất nông nghiệp diễn ra hôm nay, 23/3, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho rằng, nếu ai đó còn nghĩ chuyển đổi số là lý thuyết xa vời thì nên nhìn nhận lại vấn đề này. Bởi, xu hướng số đang chuyển dịch cả nền kinh tế thế giới.
Sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng thông minh ngày càng quan tâm đến sức khỏe, tính minh bạch, không gian tương tác. Nền kinh tế trải nghiệm được kích hoạt, trước mắt là dịch vụ, không gian số, tiến tới kinh tế số. Người tiêu dùng cũng đề cao mức độ tiện lợi, chính xác, giảm chi phí cung và cầu.
Ông Toản nhận định, vùng nông thôn sẽ là nhân tố thúc đẩy giai đoạn bùng nổ tiếp theo của nền kinh tế số. Bởi, tỷ lệ người dân nông thôn dùng Internet ngày càng nhiều.
Hiện, 77% người dân nông thôn sử dụng Internet, trong đó 91% lên mạng hàng ngày. Họ không chỉ đọc tin tức mà còn tham gia các sàn thương mại điện tử để giao dịch mua bán hàng hóa nông sản.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, áp dụng kinh tế số có thể đưa giá trị kinh tế nông nghiệp tăng gấp nhiều lần. Ông dẫn chứng, doanh thu kinh tế số nông nghiệp của Trung Quốc đạt 102 tỷ USD năm 2020, dự báo sẽ tăng lên 189 tỷ USD vào năm 2025. Thái Lan, Ấn Độ cũng xây dựng hệ thống quản lý chất lượng đất và chương trình số hóa dữ liệu đất đai, từ đó hình thành bản đồ số nông nghiệp.
Còn với chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam, ông Toản chỉ ra hàng loạt nút thắt cần giải quyết, như: vấn đề nhận thức, thể chế; vấn đề quản lý, điều hành, ứng dụng số chưa toàn diện; hạ tầng thiết bị cũ, thiếu đồng bộ, phân tán; phần mềm phục vụ chỉ đạo chưa có liên kết chia sẻ dữ liệu; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, vùng nuôi, dữ liệu chuỗi ngành hàng...
Ông Toản cho hay, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu, trong năm 2023 và thời gian tới sẽ xây dựng trợ lý ảo cho người nông dân. Trợ lý ảo sẽ hỗ trợ bà con cập nhật kịp thời chỉ số giá, thời tiết, mùa vụ, diễn biến thị trường... thông qua ứng dụng AI vào sản xuất bằng các app.
TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, khẳng định, sử dụng AI có thể giúp nông dân tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng cường năng suất và giảm thiểu chi phí, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Dù vậy, ông Trần Quý cho hay giá cả phần cứng và phần mềm cho các hệ thống AI đang rất cao. Để sử dụng công nghệ mới, nông dân cần được đào tạo. Ngoài ra, cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm các nhà sản xuất công nghệ, Chính phủ và các tổ chức nông nghiệp để phát triển các ứng dụng AI thích hợp và phù hợp với điều kiện của nông dân và nhu cầu của thị trường.
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, nhìn nhận, ứng dụng AI vào nông nghiệp Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. Song, nhiều doanh nghiệp, mô hình nông nghiệp đã ứng dụng AI vào sản xuất và bước đầu thành công, thấy rõ được ưu thế so với sản xuất truyền thống.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, Chính phủ cũng như Bộ NNN-PTNT cần làm rõ lĩnh vực nào ưu tiên làm trước để tạo đột phá. Cùng với đó chính sách để đưa mô hình trở thành dẫn dắt.
Theo ông Hùng, doanh nghiệp sẽ là người dẫn dắt, các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và nông dân là người đồng hành.
"Buôn có bạn, bán có phường, làm ăn phải có xóm có làng mới vui. Cần tạo sự đồng hành, đồng bộ trong quá trình thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp", ông Hùng nhấn mạnh. Ông cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT cần có quy hoạch, chiến lược đưa trí tuệ nhân tạo vào nông nghiệp.