Trong một khu rừng hẻo lánh tại Đức, tránh xa những con mắt tò mò, khoảng 40 binh sĩ Ukraine đang tham gia khóa học sử dụng một những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của phương Tây là IRIS-T SLM do tập đoàn công nghiệp quốc phòng Diehl của Đức chế tạo.

Với khả năng bắn hạ mục tiêu ở tầm cao 20km, tầm xa khoảng 40km và trang bị radar 360 độ, IRIS-T SLM là một trong những vũ khí hiện đại nhất mà Berlin cung cấp cho Kiev trong lúc Kiev xảy ra xung đột với Nga. Ukraine cũng tin rằng, IRIS-T SLM sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả các đợt không kích của Nga. 

Hệ thống phòng không IRIS-T SLM của Đức. Ảnh: Diehl 

“Nhiệm vụ chính của chúng tôi là học càng nhanh càng tốt để có thể trở lại và tiếp tục chiến đấu”, Reuters dẫn lời binh sĩ Myckhailo (45 tuổi), người đã tham gia lực lượng quân đội Ukraine trong 27 năm nói. 

Cho đến nay, mới có duy nhất một tổ hợp IRIS-T được Đức đưa tới Ukraine. Nó chuyên bắn hạ các tên lửa hành trình của Nga và các máy bay không người lái (UAV) Shahed do Iran sản xuất.

“Vài ngày trước, chỉ huy lực lượng không quân của chúng tôi cho biết IRIS-T đã bắn trúng 51/51 mục tiêu”, binh sĩ Anatolii (36 tuổi) nhấn mạnh Ukraine cần ít nhất 12 hệ thống IRIS-T SLM. 

Tuy nhiên, Berlin chỉ hứa viện trợ tổng cộng 4 hệ thống IRIS-T SLM cho Kiev. Trong đó, hệ thống thứ 2 sẽ được bàn giao trong vài tuần tới. 

Quân đội Đức đã tổ chức các sự kiện truyền thông lớn để giới thiệu chương trình đào tạo cho quân đội Ukraine sử dụng xe tăng Leopard 2. Tuy nhiên, Đức lại rất thận trọng khi cấp quyền tiếp cận đưa thông tin về khóa đào tạo sử dụng hệ thống IRIS-T. 

Nga coi IRIS-T là vũ khí thay đổi cuộc chơi và đây là một hệ thống hiện đại. Trong khi đó, Nga đã biết tiềm năng của xe tăng Leopard từ lâu”, một sĩ quan không quân Đức giải thích.

Do đó, 3 phóng viên đầu tiên được đến thăm địa điểm đào tạo binh sĩ Ukraine sử dụng hệ thống phòng không IRIS-T đã được yêu cầu không tiết lộ vị trí, giao nộp điện thoại di động, đồng hồ thông minh để tránh bị nghe lén cuộc trò chuyện trong quá trình thăm quan.

Khi được hỏi về những điểm khác biệt chính so với các hệ thống phòng không do Liên Xô cũ chế tạo như S-300 hay Buk, hai binh sĩ Ukraine nhận định hệ thống IRIS-T mang lại hiệu quả cao hơn, nhưng sử dụng cũng phức tạp hơn.

Một huấn luyện viên người Đức cho biết IRIS-T không thể vận hành bằng cách “bật và tắt công tắc”, mà nó có nhiều nút ấn trên màn hình cảm ứng điều khiển. 

Ngoài ra, thời gian thiết lập radar của IRIS-T chỉ mất 1/3 so với hệ thống Patriot đã có tuổi đời hàng chục năm. Đây là yếu tố quan trọng, bởi mọi hệ thống phòng không sẽ bị lộ vị trí ngay sau khi bật radar.

Giới chức Đức từng nhận định IRIS-T SLM có khả năng bảo vệ các thành phố lớn của Ukraine khỏi những vụ tấn công tầm xa. Bởi IRIS-T SLM có thể đánh chặn các tiêm kích, trực thăng, tên lửa hành trình, pháo phản lực và UAV.