Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay của các tầng lớp nhân dân, diện mạo nông thôn mới của huyện Đức Hòa, tỉnh Long An ngày càng khang trang. Kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, kinh tế nông thôn có bước chuyển tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng khởi sắc...
Đến nay, huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, đang hoàn thành hồ sơ để được công nhận huyện nông thôn mới. Toàn huyện có 16/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Huyện tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đối với xã Đức Hòa Hạ, xây dựng nông thôn mới nâng cao đối với xã Đức Lập Thượng và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đối với xã Mỹ Hạnh Nam trong năm 2024, phấn đấu đạt chỉ tiêu nghị quyết của Đảng bộ huyện.
Tăng tốc về đích nông thôn mới vào cuối năm 2024, huyện Đức Hòa cũng đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 với quan điểm chuyển đổi số là tiền đề, đòn bẩy để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Năm 2023, huyện Đức Hòa xây dựng kế hoạch chuyển đổi số cấp xã gắn kết chặt chẽ với thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu có liên quan đến chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới thông minh. Mục tiêu nhằm thay đổi tổng thể, toàn diện, hiệu lực, hiệu quả cách thức quản lý, điều hành hoạt động của chính quyền cấp xã dựa trên công nghệ số và dữ liệu số; chuyển đổi nhận thức, thay đổi tư duy của người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số, từng bước hình thành xã hội số, phát triển kinh tế số.
Huyện chú trọng tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cũng như cập nhật kiến thức, đào tạo kỹ năng số, công nghệ số, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm, nền tảng số cho cán bộ, công chức, người công tác tại các tổ chức đoàn thể của xã.
Tháng 5/2024, UBND huyện Đức Hòa đã tổ chức tập huấn công tác chuyển đổi số toàn diện cấp xã và trang bị kiến thức về chuyển đổi số cho Tổ công nghệ số cộng đồng với sự tham gia của hơn 300 thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số UBND xã, thị trấn, Tổ công nghệ số cộng đồng.
Tại lớp tập huấn, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh Long An đã triển khai các nội dung như: Giới thiệu về bức tranh hiện thực về chuyển đổi số ở cơ sở; Đề xuất một số nội dung cần làm của xã, của tổ công nghệ số; Kỹ năng bảo vệ an toàn trong thời đại số; Tổng quan về chuyển đổi số cấp xã cùng những lưu ý tuyên truyền về chuyển đổi số.
Trước đó, tháng 4/2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đức Hòa tổ chức lễ ra mắt mô hình quét mã QR giáo dục, tuyên truyền các di tích lịch sử trên địa bàn huyện. Đây cũng là giải pháp quảng bá văn hóa, du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới của huyện.
Song song đó, huyện Đức Hòa hoàn thiện hạ tầng trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số như đầu tư, nâng cấp đảm bảo hoàn thiện hệ thống máy tính, máy in, máy scan… phục vụ cho công tác của cán bộ, công chức. Rà soát, đảm bảo tốc độ đường truyền phục vụ công việc, hoàn thiện cấu hình hệ thống mạng LAN trong nội bộ UBND cấp xã, triển khai cung cấp wifi miễn phí tại trụ sở UBND cấp xã, nơi công cộng để phục vụ người dân. Triển khai các mô hình, giải pháp hỗ trợ thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nền tảng công dân số “Long An Số”, Tổng đài 1022 và các dịch vụ số khác do cơ quan nhà nước cung cấp.
Xây dựng trang thông tin điện tử của UBND xã, phường, thị trấn để cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước; tạo lập kênh Zalo chính quyền số của xã, thị trấn để kịp thời cung cấp thông tin, kết nối, tương tác với người dân, doanh nghiệp trên môi trường số. Triển khai Hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông cho xã, thị trấn. Thiết lập hệ thống bảng tin điện tử công cộng đảm bảo theo quy định.
Huyện rà soát, triển khai tạo lập địa chỉ số (Vpostcode) cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, các địa điểm trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, sản xuất trên địa bàn xã, phường, thị trấn cách tiếp cận thương mại điện tử: Lựa chọn các nông sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương lên sàn thương mại điện tử (Voso, Postmart...). Đẩy mạnh các giải pháp marketing bán hàng qua các kênh online cho các cơ sở kinh doanh, sản xuất trên địa bàn; hướng dẫn triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua gắn tem số.
Đồng thời xây dựng dữ liệu nông nghiệp, nông thôn của các xã, phường, thị trấn thực hiện chuyển đổi số theo hướng dẫn của cấp trên. Triển khai các dịch vụ nông nghiệp số phù hợp điều kiện thực tế của địa phương theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên.