Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã ban hành các cơ chế, chính sách gắn việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ địa phương, kết nối rộng khắp giữa quốc lộ - đường tỉnh – đường xuyên xã – đường thôn, bản, đặc biệt các xã khó khăn.
Theo đó, nhiều tuyến đường quan trọng, kết nối vùng đã được triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng như: Đường nối Quốc lộ 1 đi thị xã Thái Hòa (nay là Quốc lộ 48D), dài 29,123km. Đường giao thông nối đường N5 khu kinh tế Đông Nam đến Hòa Sơn (Đô Lương) dài 28,5km; đang triển khai tiếp tục đoạn từ Hòa Sơn (Đô Lương) lên Tân Long (Tân Kỳ) dài 28km, đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền (Tỉnh lộ 543D) dài 58km.
Tỉnh cũng chú trọng nâng cấp nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh khu vực miền núi như Quốc lộ 48 (Đoạn từ Km0-Km33, Km38-Km112), Tỉnh lộ 544B, hoàn thành xây dựng cầu Khe Ang 1, cầu Khe Ang 2 trên Tỉnh lộ 531 (nay chuyển thành Quốc lộ 48E)...
Xây dựng hoàn thành 50 cầu qua sông, suối phục vụ đi lại an toàn cho nhân dân vùng miền núi. Trong đó có 6 cầu qua sông thay thế bến đò và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi; 12 cầu treo dân sinh thuộc Đề án xây dựng 186 đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên; 32 cầu dân sinh thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAMP) - Hợp phần cầu.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn toàn tỉnh Nghệ An nói chung, khu vực miền núi nói riêng tiếp tục được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, khi UBND tỉnh ban hành các quyết định hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng đường bê tông xi măng tại các xã phát triển mạnh mẽ, có tính đột phá, được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Các huyện đã có nhiều cố gắng huy động sức dân, dùng ngân sách địa phương, lồng ghép các chương trình, dự án, vận động được nhân dân hiến hàng trăm ha đất làm đường giao thông. Từ khi triển khai hỗ trợ xi măng đến nay, các xã của các huyện miền núi đã xây dựng được 1.877km đường bê tông xi măng.
Đối với những xã miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông nông thôn trong Chương trình xây dựng nông thôn mới là rất khó khăn. Nghệ An đã chủ động ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp thôn, bản ở các xã miền núi khó khăn. Bộ tiêu chí này đã tạo động lực, làm dấy lên phong trào xây dựng nông thôn mới nói chung và làm đường giao thông nói riêng ở thôn, bản, có sức lan tỏa khắp khu vực miền núi miền Tây của tỉnh.
Qua thực tiễn xây dựng giao thông nông thôn tại các xã 30a và xã biên giới ở một số huyện miền núi, nhiều địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích các thôn, bản làm đường giao thông, như huyện Tương Dương hỗ 50 triệu đồng để bản, làng đầu tư xây dựng công trình hạ tầng, trong đó có đường giao thông; huyện Tân Kỳ hỗ trợ 30 tấn xi măng/km làm đường giao thông ngõ, xóm...
Mặt khác, việc triển khai thực hiện xây dựng đường giao thông cấp thôn, bản không những giúp người dân thật sự phát huy vai trò chủ thể và chủ động hơn trong công việc của mình, đẩy lùi tư tưởng trông chờ ỷ lại, mà còn tạo ra khí thế thi đua giữa các gia đình, dòng họ, giữa các thôn, bản với nhau, thúc đẩy đồng loạt phong trào xây dựng giao thông nông thôn trong toàn xã.
Qua đó, tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn miền núi của tỉnh ngày càng tăng cao. Năm 2015, tỷ lệ đường trục liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải vùng miền núi là 36,9%; đến năm 2022 là 77,3% (tăng 40,4% so với năm 2015). Năm 2015, tỷ lệ đường trục thôn, bản được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải vùng miền núi là 35,8%; đến năm 2022 là 67,7% (tăng 31,9% so với năm 2015).
Đến hết năm 2022, cả tỉnh Nghệ An đã có 327/411 xã đạt Tiêu chí số 2 giao thông, đạt 79,56% (năm 2010 chưa có xã nào đạt Tiêu chí số 2). Trong đó, có 118 xã thuộc các huyện, thị xã miền núi đạt Tiêu chí số 2 giao thông (đạt 36,1% trên tổng số xã đạt tiêu chí số 2 của tỉnh).
Tuy nhiên, dù được quan tâm đầu tư nhưng hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là ở khu vực miền núi tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ đường đất, cấp phối còn lớn (còn 25% đường huyện, 30% đường xã, 40% đường thôn xóm chưa được cứng hóa). Còn 2 xã chưa có đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã, 6 xã có đường ô tô đến trung tâm chưa đi lại được bốn mùa, 24 thôn, bản đặc biệt khó khăn mới có đường xe máy đến được.
Trong thời gian tới, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông nông thôn khu vực miền núi vẫn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của của tỉnh. Phát triển giao thông phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; phát triển giao thông bền vững, tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt giữa các vùng miền đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân. Nhiệm vụ này cũng được xác định rõ trong các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch của Đảng, Chính phủ và tỉnh Nghệ An.