Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) đã phỏng vấn các nghị sĩ Quốc hội Đức về ý tưởng của Chánh văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Nico Lange, người đề xuất các lực lượng NATO ở Ba Lan và Romania có thể bắn hạ tên lửa và UAV của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng và các cơ sở quân sự của Ukraine.
Ông Lange cho rằng, điều này sẽ dẫn đến việc tạo ra một vùng an toàn rộng 70km ở biên giới giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine, đồng thời cho phép Kiev tái triển khai các hệ thống phòng không, vốn đang thiếu hụt, từ phía tây đất nước ra tiền tuyến.
“Không nên loại trừ việc bảo vệ không phận phía trên Ukraine từ Ba Lan và Romania trong dài hạn”, Anton Hofreiter, nghị sĩ thuộc Đảng Xanh của Đức nói. Nhà lập pháp này lưu ý, động thái như vậy “không phải là điều cần bàn cãi” lúc này vì ưu tiên hiện tại của phương Tây là cung cấp cho Kiev vũ khí và đạn dược “nhiều hơn đáng kể”.
Roderich Kiesewetter, nghị sĩ thuộc đảng đối lập Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Đức cũng tán thành việc các nước phương Tây ủng hộ Kiev có thể bắn hạ UAV của Nga ở tây Ukraine. Ông Kiesewetter nhắc lại việc Mỹ, Anh và Pháp đã hỗ trợ Israel chống lại cuộc bắn phá quy mô lớn của Iran hồi tháng 4. Quan chức này nhấn mạnh, động thái cho phép NATO có thể giúp đỡ các đồng minh mà không thực sự trở thành “một bên tham gia xung đột”.
Theo đài RT, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3 từng cảnh báo, các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất mà phương Tây dự định chuyển giao cho Ukraine sẽ bị nhắm tấn công ngay tại sân bay đồn trú ở các nước NATO.
Tuần trước, Nga cũng tuyên bố sẽ tiến hành tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật như lời cảnh báo Mỹ và các đồng minh không làm leo thang xung đột ở Ukraine. Động thái tiếp sau gợi ý của Ba Lan về khả năng lắp đặt vũ khí hạt nhân của Mỹ và phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng NATO điều quân tới trợ giúp Ukraine.