Hanover là thành phố lớn đầu tiên của Đức đã cấm sử dụng nước nóng ở các tòa nhà công cộng và đưa ra nhiều biện pháp giảm sử dụng năng lượng. Hãng tin CNN dẫn thông báo của văn phòng thị trưởng Hanover viết: "Việc tiết kiệm mỗi kilowatt giờ sẽ giúp tiết kiệm cho các bồn chứa khí".
Theo đó, các tòa nhà ở thủ phủ bang Hạ Saxony chỉ sử dụng hệ thống sưởi từ 1/10 tới 31/3, cấm sử dụng điều hòa nhiệt độ di động và quạt sưởi. Tuy nhiên, nhà trẻ, trường học, nhà dưỡng lão và bệnh viện được miễn trừ thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng.
Thị trưởng thành phố Belit Onay nói: "Mục tiêu của chúng tôi là giảm 15% mức tiêu thụ năng lượng. Việc này nhằm đối phó với sự thiếu hụt khí tự nhiên đang diễn ra, vốn là một thách thức lớn đối với các thành phố, đặc biệt là một thành phố lớn như Hanover. Không thể đoán trước được tình hình, như những gì xảy ra trong vài ngày qua. Tuy nhiên, Hanover vẫn cố chuẩn bị tốt nhất có thể".
Tại thủ đô Berlin, khoảng 200 tượng đài lịch sử và tòa nhà chính quyền cũng không được thắp sáng khi thành phố áp dụng biện pháp tiết kiệm điện. Ở Munich, phía nam Đức, các đài phun nước cũng dừng hoạt động vào ban đêm, còn Nuremberg đã đóng cửa 3 trong số 4 bể bơi trong nhà.
Hiện nay, các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đều cố gắng tiết kiếm khí đốt và tích trữ cho mùa đông. Hồi đầu tuần này, các bộ trưởng năng lượng EU đã nhất trí trên nguyên tắc về việc cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ từ tháng 8 năm nay tới tháng 3 năm sau. EU cũng cố giảm nhanh chóng lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2.
Đức - nền kinh tế lớn nhất của EU, có lịch sử phụ thuộc vào khí đốt của Nga để cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Nước này đã cố giảm tỷ lệ nhập khẩu khí của Nga từ 55% xuống còn 35% kể từ khi cuộc giao tranh ở Ukraine nổ ra.
Tháng trước, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã cắt giảm 60% lượng khí cung cấp qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 với lý do phương Tây đã giữ lại các thiết bị trọng yếu vì lệnh trừng phạt với Nga. Động thái này của Moscow khiến Đức phải tuyên bố "khủng hoảng khí đốt" và kích hoạt giai đoạn 2 của chương trình khẩn cấp về khí đốt gồm 3 giai đoạn, đưa nước này tiến gần thêm tới việc phân bổ nguồn cung cấp cho các ngành công nghiệp.
Đầu tuần này, Gazprom tiếp tục cắt giảm thêm lượng khí được chuyển qua đường ống dẫn, xuống còn 20% công suất với lý do bảo trì.