Gần đây báo VietNamNet có đăng tải bài viết với nội dung Bạn thân đưa cả nhà đến ăn cưới, cô dâu tá hỏa lúc bóc phong bì thú hút sự chú ý của độc giả. Nhiều người để lại bình luận không hài lòng với chủ nhân của bữa tiệc.
Đo đếm tiền mừng cưới, liệu có phải là bạn thân?
Nhiều độc giả cho rằng, cô dâu trong bữa tiệc liên tục gọi bạn là “bạn thân” nhưng lại mang tiền mừng cưới ra để tính toán thì phải xem lại bản thân mình. Định nghĩa bạn thân trong lòng cô dâu có lẽ mang một ý nghĩa khác.
Bạn Hongdo nhận định: “Đúng là không phải bạn thân rồi. Nếu là bạn thân, bạn nên quan tâm điều kiện kinh tế hiện tại của người bạn đó hơn là thắc mắc tại sao? Người ta mừng bao nhiêu là cốt ở tấm lòng và hoàn cảnh, tùy thuộc tính cách và quan hệ. Tôi nghĩ bạn nên mừng vì đã có chồng, có hạnh phúc, đừng tính toán chuyện nhỏ đó. Nếu tính kỹ vậy thì tốt hơn bạn nên chọn mặt mà mời cưới. Vì có tấm thiệp mời người ta mới đến dự chứ chẳng phải ai cũng mong chờ được mời đám cưới đâu bạn ạ”.
Tán đồng với suy nghĩ của bạn Hongdo, độc giả Chí Hiếu Đỗ bày tỏ quan điểm: “Bạn thân mà suy nghĩ như em thì là thân ai người ấy lo. Sao không tìm hiểu xem cuộc sống của gia đình bạn giờ ra sao? Có khi nhà bạn ấy đang nghèo khó mà không thấy em giúp đỡ gì đấy. Có thể cả nhà bạn thân chỉ dám tiêu 5 triệu/tháng nhưng vì một lần đi dự đám cưới của em mà phải tiêu một buổi 500 nghìn. Xem lại tình thân của em đi nhé! Thấy mừng là chồng em còn là người hiểu biết. Hãy học hỏi chồng thật tốt!”.
Bạn Kieuan hi vọng ngày cưới của mình thật đông bạn bè, tiền bạc không quan trọng: "Ngày cưới mình chỉ mong được tụ họp bạn bè, càng đông càng vui. Được mọi người chứng kiến giây phút ấy thì dù có cho thêm tiền họ mình cũng vui. Tiếc là mỗi người một nơi không về được. Tiền quan trọng nhưng đôi khi giá trị tinh thần quan trọng hơn nhiều. Mâm cao cỗ đầy chẳng làm gì nếu thiếu bạn bè. Đời người được mấy lần gặp gỡ nhau".
“Đám cưới không phải để kinh doanh” là quan điểm độc giả Quang khi chia sẻ về bài viết. Độc giả này cho rằng: "Chúng ta hãy thống nhất với nhau một điều, đám cưới của mình có bà con, anh em, bạn bè... đến dự kèm theo chút quà mừng là hạnh phúc lắm rồi. Bạn đừng đếm kỹ thế. Việc tổ chức ở nhà hàng sang trọng hay tự nấu là việc của mình, không nên đưa ra để làm khó cho khách. Đó mới là việc đàng hoàng".
Bạn Nguyễn Công Như dành lời khen ngợi cho người chồng và hi vọng cô dâu có thể học được điều tốt từ cách ứng xử của anh ta: "Bạn ơi, chồng bạn nói rất đúng. Anh ta là người tốt, có thể bạn đã may mắn vì lấy được anh ta. Nếu anh ta vừa tốt vừa giàu nữa thì quả là phước cho bạn. Người vợ như bạn cần phải chỉnh đốn lại tư cách. Có thể bây giờ với bạn thân bạn, 500 nghìn cũng là khó khăn đó, phải tìm hiểu xem bạn ạ".
Độc giả Lê Công Khanh bức xúc: "Điều đáng sợ nhất trong cuộc sống là những người giấu mặt sau đồng tiền. Còn những người vì đồng tiền mà lộ mặt thật thì đó là may mắn cho những người xung quanh".
Nhiều người cưới xong là muốn “đánh bài chuồn”
Ngược lại với quan điểm cho rằng cô dâu tính toán với bạn thân mừng ít, một số độc giả nhận định trên thực tế có nhiều người sau khi cưới chỉ muốn “đánh bài chuồn”.
Không ít người sau khi cưới xong nghĩ rằng mình đã nhận được tiền mừng nên chỉ muốn chấm dứt mối quan hệ với người bạn đó. Hoặc có người biết người ta sắp cưới thì kiên quyết không nghe điện thoại, hoặc nghe mà cáo bận không đi, cũng không gửi tiền mừng.
Đó cũng là suy nghĩ của độc giả Phong Anh: "Cũng biết tình cảm là quý nhưng vật chất quyết định ý thức. Lẽ ra người bạn được mời cũng nên thể hiện tối thiểu đủ phần ăn của mình và người thân để mừng cho bạn chứ. Tôi không ám chỉ riêng một ai nhưng ở đời nhiều người cũng bần tiện và keo kiệt, bủn xỉn lắm. Nhà tôi đi cả 10 lần đám cưới, thậm chí cả đám ma cho gia đình họ. Nhưng khi ngoại, ba vợ tôi mất thì cả gia đình họ không ai viếng thăm dù chỉ đến thắp nén nhang chia buồn".
“Tôi không phê bình ai cả, cũng không phán xét ai. Tôi chỉ xin kể câu chuyện của mình ra đây để các bạn cùng suy ngẫm. Tôi lấy chồng và cả hai vợ chồng cùng chơi với một người bạn, không thân nhưng cũng đủ để mời cưới nhau. Gọi người bạn đó là đồng nghiệp chung thì đúng hơn vì cậu ấy từng là đồng nghiệp của tôi và giờ chuyển sang công ty chồng. Ngày trước tôi rất nhiệt tình về quê ăn cưới bạn và mừng 500 nghìn. Chồng tôi cũng đi ăn cưới bạn đó và mừng số tiền tương tự.
Thế nhưng khi hai chúng tôi cưới nhau, bận ấy lại cáo bận không về được và gửi mừng 300 nghìn với lý do không ăn cỗ. Bản thân tôi nghĩ bạn ấy không về được thì cũng nên gửi ít nhất 500 nghìn, bằng số tiền một trong hai vợ chồng tôi từng đi. Người hiểu chuyện ra còn gửi gấp đôi chứ đừng nói là chỉ gửi 300 nghìn. Liệu có phải tôi quá tính toán không”, độc giả Hoài Anh chia sẻ.
Với nhiều người trong ngày vui trọng đại của đời mình, được bạn bè đến chung vui là điều vinh dự. Bạn đến càng đông thì càng vui và tiền mừng không phải là câu chuyện họ quan tâm. Tuy nhiên trong cuộc sống muôn hình vạn trạng, không phải ai cũng có suy nghĩ thoáng như vậy và cũng không phải ai cũng thực sự “có đi có lại”. Vậy nên câu chuyện chiếc phong bì cưới vẫn là chủ đề gây tranh cãi không ngừng.