Thành phố Thủ Đức là một trong những khu đô thị lớn nhất Việt Nam, với diện tích hơn 211 km2 và dân số gần 1 triệu người. Với tốc độ phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây kéo theo nhiều vấn đề về trật tự đô thị như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, xây dựng trái phép...

Để giải quyết những vấn đề này, TP Thủ Đức đã bắt đầu nghiên cứu ứng dụng máy bay không người lái (UAV) để quản lý, kiểm tra trật tự đô thị. Việc triển khai UAV trong quản lý, kiểm tra trật tự đô thị có nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương pháp truyền thống.

W-hn-1210-1.jpg
Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 thu hút nhiều diễn giả với những giải pháp ứng dụng CNTT triển khai trên nhiều lĩnh vực đời sống.

Tại Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức vào ngày 12/10, giảng viên Nguyễn Sơn Lâm, Đại học Công nghệ TP.HCM cho biết, với lợi thế từ trên cao, máy bay không người lái cho phép thu thập dữ liệu toàn diện và hiệu quả trên diện tích đô thị lớn.

Bằng cách sử dụng công nghệ UAV, chúng ta có thể thu thập dữ liệu và hình ảnh trong thời gian thực, từ đó tạo điều kiện cho việc đánh giá trật tự đô thị một cách chính xác và toàn diện hơn.

“Nhờ vào khả năng bay ở độ cao và góc nhìn rộng, máy bay không người lái có thể phát hiện những vấn đề khó thấy từ mặt đất, giúp cải thiện quản lý chất lượng công trình và đảm bảo tiến độ xây dựng”, TS. Nguyễn Sơn Lâm nói.

Tại TP Thủ Đức, địa phương này đã lắp đặt hệ thống camera thông minh sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, tích hợp với UAV để tăng cường khả năng giám sát, phát hiện các vi phạm trật tự đô thị.

Theo báo cáo của UBND TP Thủ Đức, tính đến tháng 8 năm 2023, thành phố đã trang bị 44 UAV cho các cơ quan chức năng. UAV được sử dụng trong nhiều lĩnh vực trên địa bàn thành phố Thủ Đức như: quản lý đô thị, cứu hộ cứu nạn, nông nghiệp, giao thông, du lịch…

Sau thời gian lặp đặt, vận hành, đến nay UAV đã được sử dụng để phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm trật tự đô thị như xây dựng trái phép, đổ trộm rác thải,...

Cụ thể:

Ngày 27/7/2022, UAV được sử dụng để phát hiện và xử lý vụ xây dựng trái phép tại phường Linh Xuân.

Ngày 10/8/2022, UAV được sử dụng để phát hiện và xử lý vụ đổ trộm rác thải tại phường Hiệp Bình Phước.

Ngày 20/8/2022, UAV được sử dụng để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn sau vụ sạt lở đất tại phường Long Phước.

“Có thể thấy, việc sử dụng UAV đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc quản lý, kiểm tra trật tự đô thị trên địa bàn thành phố Thủ Đức, số lượt vi phạm xây dựng không phép có xu hướng giảm”, TS. Nguyễn Sơn Lâm nói.

 Những lợi ích triển khai UAV trong quản lý đô thị

Lợi ích đầu tiên UAV đem lại là khả năng thu thập hình ảnh và dữ liệu từ trên cao để đánh giá tình trạng trật tự đô thị, như xây dựng trái phép, vi phạm quy định về xây dựng, chất lượng công trình, và vi phạm giao thông.

Trong lĩnh vực giao thông UAV giám sát việc tuân thủ quy định giao thông bằng cách xác định các điểm nút giao thông tắc nghẽn, vi phạm luật giao thông và đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện lưu thông và đảm bảo an toàn giao thông.

UAV cũng có khả năng kiểm tra quản lý chất lượng công trình, tiến độ xây dựng và tuân thủ quy định xây dựng. Sử dụng UAV cho việc kiểm tra quản lý chất lượng công trình có thể cung cấp hình ảnh và dữ liệu chi tiết về tiến độ xây dựng và chất lượng công trình từ trên cao.

UAV có thể thực hiện việc kiểm tra tự động hoặc được điều khiển bởi nhân viên kiểm tra để thu thập thông tin về các khuyết điểm, sai sót và vi phạm quy định xây dựng.

Kim Duyên và nhóm PV, BTV