Không phải là những lời than vãn, chê bai về sự hạn chế của lực lượng lao động trẻ trung này, tác giả Trần Hùng Thiện - CEO GCOMM Việt Nam có một góc nhìn rất mới lạ. Anh cho rằng Gen Z sáng tạo, tự tin, giỏi công nghệ và chuyên môn, chỉ cần một chút dẫn dắt để trở thành một nhân viên tốt, sau đó phát triển thành người quản lý tốt, hay tự tin để khởi nghiệp.
Tác giả chia sẻ chặng đường từ một sinh viên mới tốt nghiệp, vất vả xin việc nhiều nơi trở thành nhân viên xuất sắc của tập đoàn lớn, bước lên vị trí quản lý, sau đó mở công ty riêng và tuyển dụng. Đó là lúc anh nhận thấy yêu cầu về các kỹ năng cần có trong công việc của mình đã khiến bản thân bị nhận xét là “khó tính và mong đợi nhiều quá”. Và sếp Thiện phải “gồng” lên để gánh đỡ cho nhân viên. Nhưng đó không phải là cách lâu dài.
Cho đến một ngày, Trần Hùng Thiện viết status về Cách trở thành một người sếp tốt và một số bài về kỹ năng công sở. Thật bất ngờ, những chia sẻ đó rất được hoan nghênh, các bạn trẻ liên tục nhắn tin cảm ơn và muốn hỏi thêm nhiều chuyện liên quan. Đó cũng là cảm hứng cho tác giả viết tiếp và cuối cùng là sự ra đời của quyển sách này.
Đừng từ bỏ quá sớm bao gồm nhiều nội dung rất sát với thế hệ Gen Z: Cống hiến hay không cống hiến? Những điều cần biết để đi làm cho ‘ngầu’; Tin đồn và sự thật về chuyện đi thực tập; Bước đầu để làm ‘lính xịn’; Nghỉ việc như thế nào ‘cho người ta thương’; Mắc kẹt ở tuổi 30; Chữa bệnh bàn tán, ngồi lê đôi mách; Những chiếc bẫy khi làm lãnh đạo...
Tác giả sử dụng ngôn ngữ giản dị, gần gũi như một cuộc hội thoại giữa bạn bè để trả lời thắc mắc của rất nhiều người trẻ: ‘Có nên học đại học không?’:
“Em ơi, không phải ngẫu nhiên mà người ta bày ra bốn năm đại học. Em có thể nghe đâu đó bảo là đại học không đáp ứng nhu cầu thị trường này nọ. Ừ, nó đúng nhưng nó không đủ. Em đến đó đâu chỉ để học xong ra trường làm đúng cái ngành đó không đâu. Người ta sẽ dạy em cách tư duy, cho em môi trường học thuật và trên hết là em sẽ được trả học phí bằng tiền, bằng tiền chứ không bất cứ cái gì khác. Không học, sau này ra đời có nhiều thứ em muốn trả bằng tiền cũng không được. Em sẽ có bạn, có thầy, có những cuốn sách, những lần làm việc nhóm. Em học được bài học là muốn 'gánh team' không có dễ. Em cũng học được rằng con người là một thể loại rất khó chiều, muốn được việc phải thế này thế kia”.
Trong cuốn sách nhỏ này chứa đựng nhiều bài học lớn mà mỗi độc giả trẻ ít nhất vài lần chạm tới: “Nguy hiểm nhất là lời nguyền ‘Mai chắc tui xin nghỉ quá’ nhưng mà ngày mai không bao giờ tới cả. Nếu xem xét nhiều rồi và bắt buộc phải yêu công việc mình đang có để thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn thì chắc là phải học cách yêu thôi”.
Trước khi định từ bỏ, hãy tìm ra những lợi ích mà công việc đó mang lại cho bản thân: tiền tài, danh vọng, những chuyến công tác đến miền đất mới… Hay nói chuyện với một người đáng tin cậy, biết đâu họ sẽ bảo công việc bạn đang làm là ước mơ của bao người. Bởi… “cỏ bên kia đồi lúc nào cũng xanh hơn”!
Trần Hùng Thiện đã “nhìn thấu” và “nói trúng tim đen” điểm mạnh lẫn điểm yếu của các bạn Gen Z. Chính kinh nghiệm 20 năm và những thành tựu của tác giả đã khiến lời khuyên của anh có sức thuyết phục cao. Khuyên nhủ mà không hề lên gân lên cốt, dạy bảo mà không cứng nhắc, giáo điều. Đừng từ bỏ quá sớm cũng có nhiều hình minh họa sinh động giúp việc tiếp thu nội dung được hiệu quả.
Những bạn đang học tập và làm việc tại các đô thị lớn hẳn rất đồng cảm với tác giả. Một cuốn sách của Gen Y viết cho Gen Z với thái độ bao dung và chia sẻ thiết thực của người đi trước đã chạm đúng nhu cầu của giới trẻ hiện nay.