Người dân ở một số vùng của Nga đã bắt đầu được trải nghiệm hệ thống hỗ trợ sang đường dành cho người đi bộ mang phong cách “tương lai”. Công nghệ mới này được hứa hẹn là sẽ giúp người qua đường được an toàn hơn, tiết kiệm thời gian và khắc phục được nhiều vấn đề của vạch kẻ đường truyền thống trong điều kiện khí hậu phức tạp của nước Nga.
Nâng cao an toàn giao thông đường bộ là một trong những mục tiêu chính của dự án cấp quốc gia “Những con đường chất lượng và an toàn” – vốn được khởi động từ năm 2019. Theo đó, những thiết bị hỗ trợ người đi bộ qua đường cũng có liên quan trực tiếp đến mục tiêu này.
Những nhà sáng chế tự tin rằng việc áp dụng thiết bị công nghệ cao sẽ thiết lập chuẩn mực mới cho các lối sang đường dành cho người đi bộ. Với thiết kế hiện đại và thông minh, chúng có thể đáp ứng mọi yêu cầu và lợi ích của tất cả các đối tượng tham gia giao thông. Ngay cả chiếc đèn tín hiệu xanh đỏ cũng sẽ trở nên thông minh hơn và tiến xa hơn so với những thiết bị và biển báo truyền thống.
Chúng ta đang nói về các nút giao thông đô thị với những luồng phương tiện phức tạp được điều khiển bằng đèn tín hiệu. Thông thường, khi muốn băng qua đường, người đi bộ sẽ nhấn một nút để kích hoạt pha “sang đường”, đèn đỏ bật sáng báo hiệu những phương tiện đang chạy (pha “giao thông”) phải dừng lại.
Bất kể số lượng người qua đường là bao nhiêu thì đèn tín hiệu cũng sẽ sáng lên trong một khoảng thời gian cố định được cài đặt từ trước. Chắc chắn sẽ không tránh khỏi tình trạng chỉ có một người đi bộ và đã sang tới bên kia đường nhưng cả dòng xe cộ đông đúc vẫn phải dừng chờ tới hàng chục giây hoặc ngược lại, khi nhiều người muốn qua đường nhưng thời gian chờ sắp hết nên phải nhanh chân chạy cho kịp. Lúc này sẽ rất nguy hiểm nếu có phương tiện đang chạy tới từ xa mà không giảm tốc khi thấy đèn đỏ sắp chuyển xanh. Để khắc phục tình trạng này, người ta đã lắp đặt một số cảm biến cho phép xác định số người qua đường cùng vận tốc của các xe đang lưu thông gần đó. Khi có người chuẩn bị qua đường, hệ thống sẽ xác định xem có xe đang đi tới hay không và đưa ra cảnh báo bằng âm thanh cùng ánh sáng nhấp nháy để thu hút sự chú ý của người đi bộ.
Sau khi người đi bộ đã qua hết bên kia thì hệ thống sẽ luân phiên chuyển sang ưu tiên pha “giao thông” cho đến khi tiếp tục xuất hiện người đi bộ có nhu cầu sang đường. Thứ tự ưu tiên và thời gian sáng đèn cũng không phải được lấy ngẫu nhiên mà được tính toán một cách “thông minh”: Từ những dữ liệu do cảm biến báo về, hệ thống điều khiển đèn tín hiệu sẽ phân tích cường độ của luồng giao thông, và dựa trên những dữ liệu này để xác định thời gian bật sáng của đèn tín hiệu (đèn xanh/đỏ) trên từng làn đường.
Một trong những hệ thống như vậy đã được lắp đặt thử nghiệm tại ngã tư đường Okruzhnaya và Mira ở thành phố Penza của Nga. Nếu hiệu quả của hệ thống mới đáp ứng được mong đợi thì nó sẽ sớm được triển khai thêm tại nhiều ngã tư phức tạp khác của thành phố.
Mỗi năm ở Nga có tới hơn 30.000 vụ tai nạn giao thông, với gần một nửa trong số đó xảy ra tại các khu vực kẻ vạch sang đường. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do tầm nhìn kém trên một số đoạn đường nhất định, bên cạnh đó là sự mất tập trung của người đi bộ và các lái xe.
Hệ thống chiếu sáng thông minh ra đời với mục đích tăng cường khả năng giữ an toàn cho người đi bộ vào ban đêm hoặc trong điều kiện thời tiết xấu. Thật thú vị là nó cũng được thử nghiệm tại đúng ngã tư nêu trên ở Penza. Khi ánh sáng môi trường giảm (lúc đêm khuya, chạng vạng), hệ thống chiếu sáng (được bố trí phía trên cao) sẽ chiếu đèn xuống mặt đường, đồng thời những cảm biến chuyển động sẽ gửi tín hiệu để kích hoạt các màn hình điện tử.
Nhờ vậy, hệ thống này không những giúp cảnh báo người lái xe rằng phía trước có lối sang đường mà còn cho biết tại thời điểm đó có người đang đi bộ qua đường hay không.
Công nghệ mới này sẽ đặc biệt hữu ích tại những đoạn đường có lối đi bộ qua đường khó quan sát do đặc thù địa hình. Một khi những người lái xe không còn bị bất ngờ trước sự xuất hiện của người đi bộ qua đường thì cũng đồng nghĩa với việc an toàn giao thông sẽ được tăng lên đáng kể.
Lối sang đường dành cho người đi bộ với những vạch kẻ “bất hoại” này được thử nghiệm lần đầu tiên trên đường cao tốc Vyborg ở thị trấn Sertolovo thuộc tỉnh Leningrad. Người ta sử dụng một chiếc máy chiếu laser công suất cao để chiếu những vạch sang đường xuống mặt đường vào ban đêm.
Ông Denis Sedov, chủ tịch ủy ban đường bộ tỉnh Leningrad cho biết: “Điểm khiến cho hệ thống kỹ thuật mới này trở nên đặc biệt chính là khả năng đảm bảo ai cũng quan sát được các vạch sang đường trong bất cứ điều kiện thời tiết nào. Luồng ánh sáng có định hướng với cường độ cao cho phép người tham gia giao thông nhìn thấy lối sang đường và cả những người đang đi bộ qua đường từ khoảng cách lên đến 150 mét. Ngoài khả năng thu hút sự chú ý từ xa thì các vạch sáng này sẽ không bao giờ bị mờ do cọ xát với bánh xe như loại vạch kẻ đường bằng sơn truyền thống”.
Mùa đông chính là thời điểm mà một hệ thống máy chiếu như thế này có thể phát huy tối đa tác dụng. Nếu như trước đây mỗi khi đêm tối, tuyết rơi hay sương mù dày đặc đều khiến cho các loại biển báo và vạch sang đường bị mất tác dụng vì bị che phủ thì từ nay những hình ảnh được chiếu sáng rực rỡ như thế này sẽ luôn được nhìn thấy từ khoảng cách 150 m.
Mùa đông đầu tiên tại các ngã tư và giao lộ - nơi được áp dụng thử nghiệm các hệ thống hỗ trợ giao thông thông minh – đã trôi qua. Hiện nay, các nhà phát triển đang chờ đợi phán quyết của ủy ban cùng những cơ quan hữu quan về hiệu quả của giải pháp công nghệ mới này.
Nếu kết quả khả quan thì hình ảnh những con đường “phát sáng” có thể sẽ sớm xuất hiện ở nhiều nơi khác trên khắp nước Nga.
(Theo Pháp luật và Bạn đọc)
Sẽ ứng dụng công nghệ 4.0 trong khai thác hạ tầng và điều hành giao thông
Để chủ động tham gia CMCN 4.0, Bộ Giao thông Vận tải đã và sẽ tập trung ứng dụng các công nghệ ưu tiên vào hoạt động của ngành như: lập dự án, quản lý khai thác hệ thống hạ tầng giao thông; điều hành và tổ chức giao thông...