Giá hồi đó chúng ta bình tĩnh hơn

Là một trong những vị đại biểu Quốc hội khóa XII (2007-2011), ông từng bỏ phiếu ủng hộ dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Nhìn lại cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội về siêu dự án hôm đó, ông còn giữ ấn tượng gì nhất?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Kỳ họp đó, Quốc hội đã thiết kế nghị quyết rất toàn diện, trong đó có hai điểm nổi bật. Thứ nhất, ủng hộ hay không ủng hộ chủ trương làm dự án toàn tuyến. Thứ hai, nếu không ủng hộ dự án toàn tuyến, thì cho (Chính phủ) làm một đoạn thí điểm, sau khi làm xong báo cáo lại Quốc hội để tính tiếp.

Kết quả có 41% không tán thành, 37% số đại biểu tán thành, số không biểu quyết tính là phiếu trắng. Như vậy, điều 1 là chủ trương đưa ra đã bị bác nên đương nhiên điều 2 bị bác. Đa số các đại biểu không quan tâm đến điều 2 và bác bỏ luôn điều 1. Có đại biểu là Uỷ viên Trung ương đã đồng ý chủ trương ở Trung ương rồi, nhưng ra Quốc hội họ lại phản đối. Đa số đại biểu đều lo lắng tiền đâu ra, hiệu quả của dự án thế nào, công nghệ của ai, cách làm như thế nào…

Nguyen Van Phuc.jpg
Ông Nguyễn Văn Phúc: Bên cạnh thời cơ, thuận lợi cần nhấn mạnh thách thức, khó khăn của dự án. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Cá nhân tôi rất ủng hộ dự thảo nghị quyết, ủng hộ tầm nhìn và chủ trương. Tôi biểu quyết thuận, ủng hộ làm thí điểm 1 đoạn, thiên về đoạn TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang, nhưng vẫn ghi lại ý kiến trong Hội đồng thẩm định là đề nghị cân nhắc việc huy động nguồn vốn vì 56 tỷ đô là rất lớn.

Hồi đó, lòng dân chưa thuận, xã hội chưa chấp nhận mà lạm phát rất căng thẳng.

Tôi nuối tiếc lắm. Giá như hồi đó chúng ta bình tĩnh một chút, cho làm một đoạn TP.HCM - Nha Trang thì bây giờ chúng ta đã có thể phát triển ngành công nghiệp, làm chủ về công nghệ, về con người.

Với dự án đường sắt cao tốc bây giờ, vẫn còn nhiều băn khoăn về vốn, công nghệ, con người… Còn ông băn khoăn điều gì nhất?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Tôi băn khoăn nhất là nguồn nhân lực. Con người là yếu tố quyết định mà siêu dự án này đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực rất cao, trải dài từ khâu thiết kế, thi công, nhận chuyển giao công nghệ, quản lý, vận hành, khai thác, bảo dưỡng.

Nếu không có nhân lực trình độ cao từ kỹ sư đến công nhân, chúng ta sẽ thuê ai làm?

Vì thế, chúng ta phải bắt tay vào đào tạo ngay từ bây giờ, như trước đây từng đào tạo con người cho nhà máy điện hạt nhân.

Trong các nguồn lực cần huy động để thiết kế, thi công, nhận chuyển giao công nghệ, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo dưỡng đường sắt tốc độ cao của Việt Nam thì nhân lực là thách thức, khó khăn lớn nhất, chứ không phải tài lực, vật lực. Bởi vì, trình độ, năng lực, kỷ luật của ngành đường sắt và các ngành có liên quan của Việt Nam chưa đủ, chưa bảo đảm để xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác an toàn tuyệt đối đường sắt cao tốc.

Nếu thiết kế đường sắt tốc độ cao với 350km/h chở khách thì nên thuê các nhà thầu, kỹ sư, quản lý, lái tàu và công nhân lành nghề chất lượng cao từ các nước như Nhật Bản. Chỉ cần một lần tàu đường sắt tốc độ cao chở khách xảy ra tai nạn sẽ thảm khốc hơn cả một máy bay chở đầy hành khách rơi, từ đó đường sắt tốc độ cao khó mà được khách tin dùng nữa. Chỉ xin lấy ví dụ, nếu công nhân không có trình độ, chỉ cần lắp cái vít không chuẩn đã rất rủi ro.

Nhiều đại biểu Quốc hội và nhiều nhà kinh tế đều bày tỏ băn khoăn lớn nhất về vốn của dự án, còn ông thì không như thế. Vì sao vậy?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Tôi lại không lo lắm. Tôi và chuyên gia ngân hàng Lê Xuân Nghĩa đã phân tích, khả năng các ngân hàng thương mại sẽ mua trái phiếu là rất cao. Bên cạnh đó, mỗi năm dự án này cần 5,6 tỷ đô la, tức chỉ có 1% GDP trong năm đầu tiên. Sau đó, tỷ lệ này giảm đi vì GDP sẽ tăng lên.

Vấn đề ở chỗ, Bộ Tài chính tính toán, nếu làm dự án này thì nghĩa vụ trả nợ sẽ lên đến 68-69% thu ngân sách nhà nước đến năm 2037. So với nghĩa vụ trả nợ/chi ngân sách hiện nay dưới 25%, lúc đó tỷ lệ trả nợ vay đã chiếm phần lớn miếng bánh ngân sách?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Tại cuộc đối thoại ở cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính cam kết không khó khăn về huy động vốn và trả nợ; còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, nợ công, nợ chính phủ vẫn dưới trần.

Như vậy, hai Thứ trưởng đã thay mặt hai bộ khẳng định rằng, xin đồng bào yên tâm chúng tôi lo được vốn, nợ vẫn sẽ dưới trần vì quy mô GDP sẽ còn tăng lên. Bên cạnh đó, họ cũng cam kết, dự án này không “ăn mất phần bánh” của các ngành khác, kể cả ngành giao thông, điện, nông nghiệp và văn hóa…

Tôi nghĩ nên tin tính toán của họ. Tất nhiên, các báo cáo của họ vẫn cần phải có tư vấn, thẩm tra của Hội đồng Thẩm định Nhà nước và nhiều cơ quan khác.

Tau cao toc Lao.jpeg
Đường sắt tốc độc cao ở Lào. Ảnh: Hoàng Hà

Nhu cầu phát triển khác cũng rất cao, Hà Nội và TP.HCM cần 72 tỷ đô la để làm hàng chục tuyến đường sắt đô thị, ngành điện cũng cần 15 tỷ đô la mỗi năm?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Nguồn vốn này phân cấp cho địa phương, họ tự lo được. Tuy nhiên, đường sắt đô thị cũng phải kết nối với đường sắt cao tốc mới có hiệu quả.

Tôi được biết đây là dự án 100% vốn đầu tư công. Theo ông vì sao như vậy?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Lúc đầu, Chính phủ tính đầu tư theo hình thức PPP, Nhà nước 70%, tư nhân 30%, nhưng thấy hiệu quả tài chính thấp, doanh nghiệp không mặn mà nên dự án mới thành 100% đầu tư công.

Tuy nhiên, dự án sử dụng vốn nhà nước không có nghĩa Nhà nước làm hết, mà Nhà nước sẽ đặt hàng các nhà thầu như Hòa Phát, Vinfast, Thaco, Sơn Hải, Đèo Cả hay Nhà nước đặt các đối tác nước ngoài về công nghệ, chuyển giao công nghệ.

Làm đường sắt ít hiệu quả nên doanh nghiệp tư nhân khó vào. Làm thiết bị, đóng toa tàu, bảo dưỡng… là thị trường khổng lồ, trị giá mấy chục tỷ đô thì chắc chắn dành cho doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh đó, làm các nhà ga có thể theo hình thức PPP hoặc 100% tư nhân vì doanh nghiệp tư nhân giỏi khai thác mảng này hơn nhà nước. Mảng thị trường này rất lớn, lên đến 22 tỷ đô la.

Tóm lại, cơ chế là đầu tư công nhưng quản trị tư.

Cần nhấn mạnh khó khăn, thách thức dự án

Ông nghĩ sao về thời điểm Chính phủ trình dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam ra Quốc hội lần này?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Tôi cho là trình dự án bây giờ là muộn và không thể muộn hơn được nữa vì tính cấp thiết của nó với phát triển kinh tế. Dự án đường sắt được bắt đầu nghiên cứu từ năm 2006, đến năm 2010 được trình ra Quốc hội. Người dân còn có nghi ngờ.

Dự án này được nghiên cứu từ đó đến nay là 14 năm, đủ dài rồi. Nếu lùi nữa, thì lùi đến bao giờ?

Tổng Bí thư Tô Lâm nói, nhìn các nước khác phát triển mà sốt ruột. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đi khảo sát khắp nơi, và thay đổi tư duy từ phương án 250 km/h lên 350 km/h. Họ đều nói đúng.

Dự án này phải “bàn làm chứ không bàn lùi”. Ông thấy điều đó có đúng không về mặt truyền thông để các đại biểu, các nhà khoa học và người dân thấu hiểu?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Bên cạnh thời cơ, thuận lợi, tôi cho là cần nhấn mạnh thách thức, khó khăn của dự án.

Lâu nay, các nhà lãnh đạo chủ yếu nhấn mạnh thời cơ, thuận lợi về tầm nhìn và chủ trương để tạo đồng thuận cao. Nhưng thực ra thách thức và khó khăn rất lớn, trên nhiều phương diện.

Chính vì nhiều khó khăn, thách thức như vậy mới cần Quốc hội cho các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, vượt trội, khác với các Luật hiện hành và đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp lớn để bảo đảm hoàn thành dự án đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ đội vốn.

Tôi cho là trong Nghị quyết của Quốc hội cần bổ sung nội dung chống lãng phí, chống tham nhũng và nhiệm vụ, giải pháp về truyền thông.

Nghị quyết nên tập trung vào các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt và nhiệm vụ, giải pháp lớn và không nên nên quy định quá chi tiết về kỹ thuật như động lực phân tán hay động lực tập trung, tải trọng trục. Những chi tiết này để Thủ tướng và Chính phủ quyết định khi phê duyệt báo cáo khả thi.

Vì sao ông lại đặc biệt nhấn mạnh công tác truyền thông cho dự án?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Để thực hiện dự án thành công thì tinh thần rất quan trọng, là nguồn sức mạnh vì trên thực tế ở nước khác, dân không ủng hộ là không làm được dự án quy mô như thế này. Nước ta cũng thế thôi.

Tôi cho rằng cần đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tạo sự đồng thuận, ủng hộ, chung tay tham gia thực hiện thành công dự án của các cấp, các ngành, toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân.

Nhiệm vụ này có vẻ là khẩu hiệu nhưng vô cùng quan trọng và thực tế nếu không được nhân dân ủng hộ và tham gia bằng tài lực, vật lực, nhân lực, trí lực và bằng sức mạnh tinh thần thì không thể thực hiện dự án thành công được.

Đường sắt cao tốc: Bàn làm, không bàn lùiChiều muộn 4/11, sau khi hết giờ họp Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế đã họp phiên toàn thể lần thứ 20, thẩm tra chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.