Vải Bắc Giang trên một sàn TMĐT. |
Đây có thể là kinh nghiệm để các địa phương tham khảo nhằm đảm bảo chuỗi sản xuất - tiêu thụ hàng hóa trong bối cảnh giãn cách vì dịch bệnh.
Tại “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện Covid-19” do Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp Bộ TT&TT tổ chức vào chiều nay 29/7, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc duy trì chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản - yếu tố quan trọng mang đến thành công cho mùa vải Bắc Giang 2021.
Quả vải vào vụ thu hoạch cũng là thời điểm Bắc Giang phải đối mặt với dịch Covid-19 bùng phát khiến địa phương này trở thành tâm dịch. Đặc biệt, trong 28 ngày chính vụ vải, huyện Lục Ngạn, nơi chiếm tới 70% sản lượng vải của Bắc Giang đã phải khoanh vùng, giãn cách tới 14 ngày. Ở thời điểm khó khăn do dịch bệnh, UBND tỉnh Bắc Giang đã đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, cùng sự hỗ trợ của nhiều bộ, ngành để duy trì và không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.
Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Bắc Giang rất linh hoạt trong thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch vừa đảm bảo tiêu thụ vải; giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng vẫn tạo luồng xanh để duy trì cung ứng hàng hóa.
Ở thời điểm thực hiện giãn cách, Bắc Giang lập các chốt kiểm soát tại các tuyến ra vào các vùng trồng vải nhưng không cực đoan. Các chốt kiểm soát này rất linh hoạt trong việc tạo luồng xanh vận chuyển hàng hóa, nhất là các nông sản. Thương lái vẫn được vào thu mua và bà con vẫn đc đi thu hoạch sau khi được kiểm tra đảm bảo yêu cầu phòng dịch. Các hoạt động tiêu thụ, thu hoạch vẫn diễn ra gần như bình thường, đảm bảo luồng vận tải ra/vào thông thoáng, ông Nguyễn Trọng Đường nhận định.
Mặt khác, Bắc Giang đã kết nối với tất cả các tỉnh để đảm bảo vận chuyển nông sản đi/đến. Tỉnh đã phối hợp với nhiều đơn vị, bộ ngành để đẩy mạnh tiêu thụ trên kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và xuất khẩu.
Số liệu về tiêu thụ vải Bắc Giang năm 2021 |
Mùa vải Bắc Giang năm nay sản lượng tăng hơn 30% so với mùa năm trước, lại vào vụ thu hoạch đúng lúc phải đối mặt với nrất nhiều khó khăn do dịch covid bùng phát, nhưng toàn bộ vải đều được tiêu thụ nhanh chóng với mức giá tốt.
Trong số hơn 215.000 tấn vải được tiêu thụ có tới 56,8% được tiêu thụ ở thị trường nội địa; thu về 6.821 tỷ đồng trong mùa vải này. Con số này tăng hơn hẳn những năm trước nhờ cách làm mới. “Đây là kết quả cực kỳ ấn tượng và không ai nghĩ rằng trong đại dịch lại có thể làm được điều này”, ông Nguyễn Trọng Đường đánh giá.
Theo ông Nguyễn Trọng Đường, mùa vải năm nay ở Bắc Giang đã có sự vào cuộc của liên bộ và các tỉnh, thành phố. Lần đầu tiên 5 bộ gồm NN, PT&NT, Công thương, TT&TT, GTVT và Ngoại Giao cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản ở một địa phương trong thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
“Đây là kinh nghiệm tốt. Tôi nghĩ rằng các bộ, tỉnh cần phải cùng nhau vào cuộc, lãnh đạo các địa phương cũng cần quán triệt nội dung này đến tất cả các chốt kiểm dịch bởi vì chúng ta không nên cực đoan, mà nên quán triệt thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Trọng Đường nói.
Cùng với các Bộ Công Thương, NNPT&NT, Bộ TT&TT đã chủ động nhập cuộc, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thuộc Bộ để tuyên truyền, đảm bảo được luồng vận chuyển hàng hóa, duy trì được chuỗi cung ứng cho bà con bằng nhiều phương thức mới.
Ngay khi vào vụ, Bộ TT&TT đã xây dựng chương trình truyền thông trên toàn quốc; cam kết vận chuyển vải Bắc Giang muộn nhất trong vòng 48 giờ sau khi thu hoạch đến tay người tiêu dùng để đảm bảo chất lượng.
Hai sàn TMĐT bưu chính góp phần tiêu thụ vải thiều Bắc Giang. |
Sàn TMĐT của hai công ty bưu chính là Vỏ sò và Postmart cũng quyết liệt vào cuộc duy trì chuỗi cung ứng, đưa hộ nông dân lên sàn và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm với nhiều cách làm sáng tạo. Lần đầu tiên, Việt Nam xuất khẩu nông sản theo mô hình TMĐT xuyên biên giới trên nền tảng “Make in Vietnam”. Vải Bắc Giang đã đến tay hàng nghìn người dân xa quê ở Đức, Cộng hòa Séc, Bỉ chỉ sau 96 giờ sau thu hoạch.
Số liệu thống kê từ Bộ TT&TT cho thấy, các sàn TMĐT bưu chính đã hoàn thành hơn 1,2 triệu đơn hàng, đưa 8.280 tấn vải đi khắp các tỉnh thành trong cả nước. Nhiều địa phương lần đầu tiên được ăn vải tươi Bắc Giang.
Từ thực tiễn trên, lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT cho rằng các địa phương cần đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại vùng sản xuất; tạo luồng xanh cho hoạt động thu hoạch, tiêu thụ nông sản; các bộ ngành địa phương cùng vào cuộc trong khâu lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ và quảng bá cho sản phẩm.
Ngoài kênh tiêu thụ truyền thống, cần khai thác hiệu quả kênh tiêu thụ trên các sàn TMĐT. Đồng thời, đào tạo kỹ năng số cho nông dân, hướng dẫn người dân tạo tài khoản bán hàng trên trang TMĐT.
Mới đây, Bộ TT&TT đã phê duyệt kế hoạch “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông dân lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”.
Kế hoạch này hướng tới mục tiêu đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác (gọi chung là hộ sản xuất nông nghiệp) đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, không phụ thuộc vào thương lái, trung gian.
Cũng trong cuộc họp mới đây với Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn đã đề xuất phối hợp cùng hỗ trợ, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Duy Vũ
Bộ TT&TT phê duyệt kế hoạch đưa các hộ sản xuất nông nghiệp cả nước lên sàn TMĐT
VietnamPost và Viettel Post, 2 doanh nghiệp sở hữu các sàn Postmart, Vỏ Sò được Bộ TT&TT giao chủ trì triển khai kế hoạch “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông dân lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”.