Lần đầu tiên, Việt Nam có một bản quy hoạch tổng thể hạ tầng TT&TT, với định hướng phát triển thành hạ tầng thế hệ mới, đồng bộ các hợp phần, tạo dựng sự phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng và địa phương. Từ đó, tạo ra không gian phát triển mới cho đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số. Xét trong quy hoạch tổng thể quốc gia, việc triển khai quy hoạch hạ tầng TT&TT được nhận định có vai trò quan trọng với sự phát triển tổng thể kinh tế xã hội Việt Nam. VietNamNet xin gửi tới quý độc giả tuyến bài về bức tranh hạ tầng TT&TT trong kỷ nguyên số.

Bài 1: Quy hoạch hạ tầng TT&TT sẽ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Bài 2: Việt Nam đặt mục tiêu vào top 10 nước dẫn đầu châu Á về tên miền

Bài 3: Quy hoạch hạ tầng TT&TT đặt trọng tâm vào phát triển hạ tầng số

Bài 4: Đưa mạng bưu chính thành hạ tầng thiết yếu của kinh tế số Việt Nam

Bài 5: Tạo dựng hệ sinh thái số Make in Viet Nam

Kiến tạo và củng cố niềm tin số

Bản chất của Internet là không an toàn, vì thế bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng luôn được coi là yếu tố quan trọng, tất yếu và xuyên suốt. Tại sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2020, người đứng đầu ngành TT&TT đã chỉ rõ: “Sứ mệnh của an toàn, an ninh mạng Việt Nam là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng”.

Đồng bộ với Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, Quy hoạch hạ tầng TT&TT giai đoạn mới cũng nhấn mạnh quan điểm coi an toàn thông tin mạng, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết, gắn kết với hoạt động chuyển đổi số. 

Cùng với đó, phát triển và triển khai các hệ thống kỹ thuật, giải pháp, nền tảng bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng phục vụ Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia; đồng thời bảo đảm an toàn cho người dân và bảo mật dữ liệu, giao dịch điện tử trên mạng. Phổ cập công cụ, dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tất cả người dân.

Là một hợp phần trong chỉnh thể hạ tầng TT&TT, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng có sự gắn kết, song hành với các hợp phần khác cùng hướng tới tạo lập và duy trì môi trường an toàn, tin cậy cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Để kiến tạo và củng cố niềm tin số, thúc đẩy hình thành không gian mạng ‘sạch’, Quy hoạch đã đề ra các mục tiêu cụ thể cho hai giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ - Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc kỹ thuật của NCS cho rằng: Việc xác định an toàn thông tin mạng, an ninh mạng nằm trong chỉnh thể hạ tầng TT&TT là hoàn toàn chính xác và cần thiết. Bởi lẽ, dù có thể không trực tiếp tạo ra các giá trị mới, song an toàn thông tin, an ninh mạng hỗ trợ bảo vệ các giá trị đã hình thành từ những thành phần khác của hạ tầng TT&TT, từ đó có đóng góp quan trọng cho sự phát triển ngành TT&TT và đất nước.

Bày tỏ sự ấn tượng với tỷ lệ 100% của các mục tiêu an toàn thông tin, an ninh mạng trong Quy hoạch, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn phân tích: Với điều kiện Việt Nam đang có, việc hiện thực hóa những mục tiêu này là hoàn thành khả thi. Các doanh nghiệp an toàn thông tin, an ninh mạng Việt Nam đã từng bước làm chủ công nghệ, sản xuất được phần lớn các sản phẩm, giải pháp để đáp ứng nhu cầu phòng chống tấn công, bảo vệ an toàn các hệ thống thông tin từ quy mô từ nhỏ tới lớn. 

“Nếu chúng ta nỗ lực và đạt được những mục tiêu trong quy hoạch, tôi tin rằng Việt Nam không chỉ tạo được môi trường an toàn, tin cậy cho chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực an toàn thông tin, an ninh mạng”, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn nêu quan điểm.

Huy động toàn xã hội tham gia bảo vệ không gian mạng

Đề cập đến hợp phần an toàn thông tin mạng, an ninh mạng của hạ tầng TT&TT, Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT) cho biết: Với quy hoạch mới, Việt Nam định hướng trở thành cường quốc an toàn thông tin mạng để bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia, bảo đảm an ninh thông tin và trật tự an toàn xã hội. 

Để làm được điều này, sức mạnh của toàn xã hội sẽ phải được huy động. Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền và nghĩa vụ bảo đảm an toàn môi trường sống mới - môi trường mạng, trong đó cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò điều phối, gắn kết và chia sẻ thông tin.

W-he-thong-thong-tin-2-1-1.jpg
Các hệ thống, nền tảng đảm bảo an toàn thông tin mạng tập trung vào 5 nhóm, trong đó có các hệ thống giám sát không gian mạng. (Ảnh minh họa: M.Q)

Cũng theo đơn vị soạn thảo Quy hoạch, nâng cao nhận thức là một trong những giải pháp đột phá. Theo đó, thống nhất nhận thức từ trung ương tới địa phương rằng bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, với Ban chỉ đạo An toàn, an ninh mạng quốc gia giữ vai trò điều phối chung sự phối hợp 4 lực lượng gồm Công an, Quốc phòng, TT&TT và Ban Tuyên giáo Trung ương. 

“Các lực lượng này sẽ chủ động, phối hợp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thường xuyên phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị”, đại diện Viện Chiến lược TT&TT chia sẻ.

Song song đó, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong quá trình lựa chọn, triển khai các dịch vụ, công nghệ cho cơ sở hạ tầng TT&TT, ưu tiên sử dụng sản phẩm an toàn thông tin, an ninh mạng Việt Nam. Có quy định bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia và cơ sở hạ tầng TT&TT trong cả quá trình, từ thiết kế, xây dựng đến vận hành, khai thác.

Để giải quyết tồn tại trong nhiều năm qua là đầu tư cho an toàn thông tin mạng còn thấp, Quy hoạch hạ tầng TT&TT đã đưa ra giải pháp: Huy động nguồn lực phục vụ phát triển an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác an toàn thông tin mạng, an ninh mạng quốc gia; bố trí kinh phí cho an toàn thông tin, an ninh mạng đạt tối thiểu 10% tổng kinh phí chi cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng CNTT.

Ở góc độ doanh nghiệp, một chuyên gia an toàn thông cho rằng, với năng lực hiện có của doanh nghiệp trong nước, hợp phần an toàn thông tin, an ninh mạng của quy hoạch thời gian tới sẽ được triển khai hiệu quả: “Các bộ, ngành, địa phương có thể yên tâm giao phó trách nhiệm tư vấn, triển khai, vận hành hệ thống an toàn thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp an toàn thông tin, an ninh mạng cần nhanh chóng thể hiện khả năng, trình độ của mình trong giải quyết các bài toán, 'nỗi đau' cụ thể tại Việt Nam”.