Thông tin trên được Phó giáo sư Lê Mạnh Cường, Phó Giám đốc Học viện Y học cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam cho biết tại hội thảo “Cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý hậu môn - trực tràng” do Hội Hậu môn trực tràng tổ chức ngày 19/10 tại Hà Nội.
Phó giáo sư Cường cho biết, hiện nay các bệnh lý trực tràng như nứt kẽ hậu môn, táo bón, trĩ, ung thư trực tràng đều có dấu hiệu gia tăng. Nguyên nhân sinh bệnh chưa rõ ràng, tuy nhiên lối sống không lành mạnh, thói quen sinh hoạt không khoa học, ăn uống không đảm bảo vệ sinh, không đúng giờ, thường xuyên ăn đồ cay nóng, ít chất xơ trong thời gian dài là những yếu tố nguy cơ làm thay đổi mô hình bệnh tật, khiến tỷ lệ mắc bệnh tăng cao.
Đặc biệt, với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, áp lực của công việc, gia đình, xã hội ngày càng cao khiến tỷ lệ mắc các bệnh này ngày một gia tăng và có xu hướng trẻ hóa.
Theo Phó giáo sư Cường, người dân có tâm lý e ngại đối với các dấu hiệu của bệnh vùng trực tràng, coi là những bệnh khó nói, ngại đi khám. Khi có các dấu hiệu nặng mới đến bệnh viện dẫn tới nhiều biến chứng. Điển hình như bệnh trĩ, táo bón, không đại tiện được... không được khám sớm có thể là biểu hiện của bệnh lý nguy hiểm như ung thư trực tràng.
Các nghiên cứu cho thấy bệnh lý ung thư đại trực tràng chiếm 10% các bệnh lý về ung thư. Bệnh trĩ ảnh hưởng trên 50% dân số, rò hậu môn (25%), đại tiện không tự chủ (24%), đau hậu môn (4-18%), táo bón mạn tính (14-28%).
Theo Phó giáo sư Cường, phần lớn bệnh lý vùng hậu môn, trực tràng (trừ ung thư) thường không gây nguy hiểm tới tính mạng con người. Tuy nhiên, người bệnh bị đau nhức, khó chịu, lo âu sẽ làm giảm khả năng làm việc và tham gia các hoạt động xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày. Nếu không được phát hiện sớm, chẩn đoán điều trị đúng và kịp thời, bệnh sẽ biến chứng trở nên trầm trọng và nguy hiểm.
Ngày nay có nhiều phương tiện chẩn đoán hiện đại được áp dụng để phát hiện sớm, chính xác các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng: Siêu âm nội soi, chụp CT, MRI bụng chậu, đo áp lực ống hậu môn…
Các kỹ thuật ít xâm lấn và thủ thuật đã được áp dụng giúp giảm thiểu đau đớn, rút ngắn thời gian hồi phục cho bệnh nhân, bao gồm: phẫu thuật nội soi và sử dụng robot để cắt polyp, cắt khối u đại trực tràng; sử dụng Argon plasma cầm máu và điều trị các tổn thương niêm mạc; sử dụng laser giảm kích thước búi trĩ, thắt trĩ bằng vòng cao su, đốt trĩ bằng sóng cao tần, xung điện trực tiếp, điều trị trĩ bằng quang đông hồng ngoại, tiêm xơ…
Ngoài ra, các bệnh lý hậu môn trực tràng đang được điều trị hiệu quả bằng kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, điều trị nội khoa, phẫu thuật, thủ thuật và vật lý trị liệu phục hồi chức năng.