Theo các chuyên gia, mỗi người nên ăn khoảng 150-300g rau mỗi ngày. Dù biết mức độ quan trọng của loại thực phẩm này nhưng tỷ lệ người ăn đủ lượng khuyến nghị không cao (ở Mỹ, tỷ lệ là 10%). Chế độ ăn nhiều rau có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Lý do rau quả có tác dụng ngừa ung thư
Tiến sĩ Anaum Maqsood, chuyên gia về ung thư tiêu hóa và ung thư huyết học tại Houston Methodist (Mỹ), cho biết rau có có nhiều chất chống oxy hóa mang đặc tính bảo vệ ung thư. Theo Parade, các nghiên cứu cho thấy chất chống oxy hóa đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe miễn dịch, bao gồm chống lại tình trạng viêm mạn tính (có thể dẫn đến một số loại ung thư).
“Quá trình oxy hóa liên quan đến sự phát triển của ung thư. Các loại thực phẩm như rau cung cấp chất chống oxy hóa là lựa chọn lành mạnh để giảm nguy cơ ung thư”, Tiến sĩ Daniel Landau, bác sĩ chuyên khoa ung thư và huyết học tại Trung tâm Mesothelioma, bổ sung.
Tiến sĩ Donald Barry Boyd, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Trung tâm Ung thư Yale, thông tin, một lý do khác khiến chế độ ăn nhiều rau liên quan đến giảm nguy cơ ung thư vì đây là nguồn chất xơ tốt. Ông nói thêm rằng chế độ ăn nhiều chất xơ rất quan trọng đối với sức khỏe đường ruột, miễn dịch.
Loại rau ưa thích của bác sĩ ung thư
Hầu hết các loại rau đều có chất chống oxy hóa và chất xơ giúp giảm nguy cơ ung thư khi ăn thường xuyên. Trong đó, một số loại có ưu điểm vượt trội hơn.
Tiến sĩ Maqsood cho biết cô thường xuyên ăn rau họ cải: "Tôi thích ăn bông cải xanh, bí xanh, cải xoăn, rau diếp, cà rốt, dưa chuột và cần tây”. Rau họ cải chứa các hóa chất thực vật đã được chứng minh có thể làm chậm sự phát triển của ung thư. Ngoài ra, rau cải dễ dàng kết hợp với các thực phẩm khác cho mọi bữa ăn.
Tiến sĩ Landau thường lén cho bí ngòi và một số loại rau khác vào thức ăn của con. Ngoài ra, ông cũng hay ăn khoai lang: “Khoai lang tương đối dễ chế biến, có thể ngon như khoai tây chiên". Ngoài tác dụng phòng ngừa ung thư, ăn khoai lang thường xuyên tốt cho tim, mắt và não.
Ngoài việc ăn rau, bạn cũng cần những thói quen lành mạnh khác. Tiến sĩ Boyd giải thích: "Những người có chế độ ăn lành mạnh với nhiều rau trái hữu cơ thường có lối sống lành mạnh, bao gồm mức độ hoạt động thể chất cao hơn, điều này vừa làm giảm nguy cơ ung thư vừa cải thiện kết quả điều trị ung thư".
Vì vậy, việc tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và tìm cách hiệu quả để kiểm soát căng thẳng rất quan trọng để phòng ngừa bệnh tật.