Các đồ dùng cá nhân trên không được đưa vào EU dù tạm thời hay trong chuyến du lịch, EC cho hay.
Theo hãng tin RT, bộ câu trả lời mới nhất do EC ban hành tuần trước đặc biệt tập trung vào ô tô Nga. Văn bản này cho biết: "Việc sử dụng các phương tiện vì mục đích cá nhân hay thương mại đều không liên quan, vì chúng đều thuộc danh mục hàng hóa bị trừng phạt".
Lệnh cấm áp dụng với các ô tô có biển số Nga, đăng ký ở Nga và thời gian chiếc xe lưu thông ở EU không liên quan, thông báo của EC cho biết.
Thông tin làm rõ này được đưa ra sau khi một loạt vụ việc xảy ra, trong đó hải quan Đức đã tịch thu ô tô tư nhân Nga khi đi vào nước này kể từ tháng 7. Moscow sau đó buộc tội Berlin ăn cắp ô tô và cảnh báo công dân Nga không mang ô tô vào Đức.
Nhà chức trách Đức đã biện minh cho hành động của mình bằng cách viện dẫn các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga từ năm 2014 và các quyết định mở rộng lệnh trừng phạt sau khi Nga mở chiến dịch đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Cuối tuần trước, EC đã làm rõ các lệnh cấm hơn nữa và cho hay không chỉ ô tô thuộc danh mục bị trừng phạt mà còn có nhiều hàng hóa cá nhân khác có xuất xứ từ Nga.
Khi được hỏi liệu công dân Nga có thể tạm thời mang hàng hóa và phương tiện cá nhân vào EU hay không, kể cả khi đi du lịch, Ủy ban châu Âu nói “không” và cho biết thêm, bất cứ thứ gì được liệt kê ở Phụ lục XXI trong quy định của EU về các lệnh trừng phạt với Nga đều bị cấm.
Phụ lục liệt kê hơn 180 loại hàng hóa, ngoài phương tiện cá nhân, còn có điện thoại di động, máy quay phim, quần áo phụ nữ, các loại túi xách, giầy dép, xà phòng, nước hoa và thậm chí là cả giấy vệ sinh.
Các quốc gia NATO và EU lần đầu tiên áp đặt lệnh trừng phạt với Moscow vào năm 2014. Moscow khẳng định các hạn chế thương mại và tịch thu tài sản của Nga là bất hợp pháp và tương đương với hành vi trộm cắp.