Trong lá thư 6 đoạn gửi Twitter ngày 6/6, luật sư của Elon Musk làm rõ lập trường của tỷ phú. Đây được xem là lời đe dọa trực diện nhất đối với mạng xã hội "chim xanh". Phía Musk công khai cáo buộc Twitter vi phạm thỏa thuận sáp nhập khi không cung cấp dữ liệu về tài khoản spam và giả mạo mà ông yêu cầu.
CEO Elon Musk |
Thư nhắc tới việc Twitter “tích cực chống lại và cản trở quyền thông tin” của Musk. “Đây là vi phạm nghiêm trọng rõ ràng đối với các nghĩa vụ của Twitter theo thỏa thuận sáp nhập, ông Musk bảo lưu mọi quyền có được từ đó, bao gồm quyền không hoàn thành giao dịch và quyền hủy bỏ thỏa thuận sáp nhập”, luật sư đại diện viết.
Musk yêu cầu Twitter trao thông tin về các phương pháp đánh giá tài khoản spam và giả mạo, chứng minh chúng chiếm chưa tới 5% số người dùng đang hoạt động trên nền tảng. Ông cũng kêu gọi tiến hành điều tra độc lập dựa trên dữ liệu của Twitter.
Cổ phiếu Twitter giảm 1,5% trong phiên giao dịch ngày 6/6, kết phiên ở mức 39,56 USD. Ngay cả trước khi có diễn biến mới nhất, giá của nó cũng thấp hơn mức đề nghị 54,20 USD/cổ phiếu mà Musk đề nghị, làm dấy lên suy đoán về khả năng khép lại thương vụ.
CEO Twitter Parag Agrawal bảo vệ cách tính toán của công ty. Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Twitter khẳng định đã và sẽ tiếp tục hợp tác chia sẻ thông tin với Musk để hoàn thành giao dịch, phù hợp với các điều khoản của thỏa thuận sáp nhập. Công ty vẫn giữ ý định “thực thi thỏa thuận theo điều khoản và mức giá đồng ý”.
Theo Musk, số tài khoản spam thực tế của Twitter lớn hơn nhiều, thậm chí lên tới 90%. Trước đó, ông chủ hãng xe điện Tesla nói vụ thâu tóm không thể tiến triển cho tới khi Twitter cung cấp bằng chứng về số liệu spam. Một số nhà phân tích Phố Wall nhận định đây là “chiêu” của Musk nhằm gây áp lực buộc Twitter thương lượng lại giá bán. Ngay từ đầu, đã có những câu hỏi về việc Musk sẽ lấy đâu ra tiền cho vụ thâu tóm Twitter.
Trong hồ sơ chứng khoán riêng biệt, Twitter tiết lộ Elon Musk đã từ bỏ một điều khoản thẩm định trong giao dịch, giúp ông dễ dàng rút lui khỏi thương vụ hơn. Nếu không làm như vậy, ông sẽ đối mặt với kiện tụng và tình cảnh khó khăn hơn.
Khi đồng ý mua lại Twitter vào tháng 4, Musk cho biết muốn biến công ty đại chúng thành công ty tư nhân, cho phép tự do ngôn luận trên nền tảng và cải thiện các tính năng. Song, từ đó tới nay, thị trường chứng khoán sụt giảm liên tục trước nỗi lo lạm phát, chiến tranh và chuỗi cung ứng. Sự việc khiến cho cổ phiếu của các công ty như Tesla bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thương vụ dự kiến kết thúc vào ngày 24/10. Nếu không thể hoàn tất, hai bên có thể ra đi. Nếu thương vụ bị trì hoãn bởi quy định pháp lý, Musk và Twitter có thêm 6 tháng để hoàn thành. Điều khoản bao gồm khoản phí 1 tỷ USD dành cho mỗi bên nếu từ bỏ.
Du Lam (Theo CNN, NYT)