Các nguồn tin giấu tên cho hay, đề xuất sửa đổi đã được các phái viên EU thảo luận tại một cuộc họp vào sáng 6/5. Chúng bao gồm cả việc cho phép Hungary, Slovakia và CH Séc thêm thời gian để thích ứng với lệnh cấm vận, đồng thời giúp những nước này nâng cấp hạ tầng khai thác nhiên liệu của họ.

Cụ thể, Hungary và Slovakia sẽ có thể mua dầu mỏ Nga từ các đường ống cho đến cuối năm 2024, trong khi CH Séc có thể tiếp tục việc này cho đến tháng 6/2024 nếu họ không nhận được nhiên liệu qua một đường ống từ Nam Âu sớm hơn.

Đề xuất điều chỉnh cũng cho phép một quá trình chuyển đổi kéo dài 3 tháng trước khi cấm các dịch vụ của EU vận chuyển dầu mỏ Nga, thay vì quá trình 9 tháng như kế hoạch ban đầu. 

Theo Reuters, EC ngày 4/5 đã đề xuất lệnh cấm vận dầu mỏ như một phần của gói trừng phạt lần thứ 6, rộng hơn của EU chống Nga kể từ khi Moscow mở chiến dịch tấn công quân sự vào Ukraine ngày 24/2. 

Kế hoạch ban đầu đòi hỏi hầu hết các nước thành viên EU phải ngưng mua dầu thô Nga 6 tháng sau khi lệnh cấm được ban hành và ngưng nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế từ xứ sở bạch dương vào cuối năm nay. Hungary và Slovakia ban đầu cũng chỉ được tạo điều kiện thích ứng đến cuối năm 2023.

Bulgaria đã yêu cầu được miễn trừ thực hiện lệnh cấm, nhưng không được nhượng bộ về thời hạn áp dụng "vì họ không có luận điểm thực sự thuyết phục", theo lời một quan chức. Rốt cuộc chỉ có 3 quốc gia đề cập phía trên được nới lỏng hơn về thời gian do "gặp phải vấn đề khách quan". Trong đó, Hungary và Slovakia chỉ chiếm 6% lượng dầu nhập khẩu của EU từ Nga nên quyết định miễn trừ sẽ không thay đổi tác động của lệnh cấm đến nền kinh tế Nga.

Các nhà ngoại giao cho hay, quá trình đàm phán rất phức tạp và không rõ liệu đề xuất mới có nhận được sự ủng hộ của tất cả 27 nước thành viên EU hay không, điều cần thiết để lệnh cấm vận dầu mỏ có hiệu lực.

Josep Borrell, nhà ngoại giao hàng đầu của EU ngày 6/5 nói, ông sẽ triệu tập một cuộc họp bất thường của các ngoại trưởng EU vào tuần tới nếu liên minh không đạt được thỏa thuận nào vào cuối tuần này.

Nga tuyên bố phá hủy kho vũ khí lớn ở đông Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, các lực lượng nước này đã nã tên lửa phá hủy một kho đạn dược lớn ở thành phố Kramatorsk, miền đông Ukraine. 

Nhà chức trách Nga ngày 6/5 cũng cho biết, hệ thống phòng không của họ đã bắn rơi 2 máy bay chiến đấu của Ukraine, gồm tiêm kích Su-25 và một chiếc MiG-29 ở khu vực phía đông Luhansk thuộc vùng Donbass, miền đông nước láng giềng.

Báo Guardian cho hay không thể xác minh độc lập các tuyên bố trên.

Đức viện trợ 7 hệ thống pháo tự hành cho Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht thông báo, Berlin sẽ chuyển 7 hệ thống pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 cho Ukraine, ngoài 5 hệ thống pháo tương tự phía Hà Lan đã cam kết viện trợ cho quốc gia Đông Âu. 

 Pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 có thể tiêu diệt mục tiêu ở cách xa 40km. Ảnh: Wikimedia

Tuần trước, Đức đã đảo ngược chính sách lâu nay của nước này về việc không gửi vũ khí hạng nặng tới các khu vực chiến sự, sau khi phải đối mặt với vô số áp lực cả trong và ngoài nước đòi Berlin phải tăng cường hỗ trợ Kiev chống lại quân Nga.

Panzerhaubitze 2000 là một trong những loại pháo mạnh nhất trong kho vũ khí của Đức, có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 40km. Bà Lambrecht chia sẻ với các phóng viên rằng, Đức sẽ chuyển giao những vũ khí hạng nặng này cho Ukraine trong vài tuần tới sau khi chúng được bảo trì.

Reuters dẫn lời Tư lệnh quân đội Đức, Tướng Eberhard Zorn cho hay, đợt huấn luyện đầu tiên dành cho nhóm 20 binh sĩ Ukraine sử dụng hệ thống Panzerhaubitze 2000 dự kiến ​bắt đầu vào tuần tới tại thị trấn Idar-Oberstein của Đức. Những binh sĩ này đã có kinh nghiệm vận hành các loại xe tăng do Liên Xô chế tạo.

Tuấn Anh