Theo hãng tin The Guardian, lý do các nước thành viên EU không thể đạt được sự đồng thuận trong vấn đề áp giá trần lên dầu của Nga là bởi mức giá 65-70 USD/thùng được Nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển (G7) đề xuất đang gây ra tranh cãi, khi một số nước cho rằng mức giá này cao, trong khi nhiều nước khác lại coi đây là mức giá quá thấp.
Một số chính trị gia cho biết, có tới 6 trong 27 quốc gia thành viên EU phản đối mức giá được G7 đề xuất. Trong đó Ba Lan, Lithuania và Estonia muốn khối này áp mức giá 30 USD/thùng, do chi phí sản xuất dầu của Nga là 20 USD/thùng. Nếu EU nhất trí theo mức giá được G7 đề xuất thì Moscow vẫn thu về nhiều lợi nhuận.
Trong khi đó Cộng hòa Síp, Hy Lạp và Malta, những quốc gia có ngành vận tải biển phát triển cho rằng họ sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất nếu các chuyến tàu chở dầu của Nga bị cản trở. Bởi mức giá được G7 đề xuất là quá thấp, nên ba nước này muốn nhận được sự bồi thường trong kinh doanh hoặc cần có thêm thời gian để điều chỉnh lại mọi thứ.
Ở một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani hôm 24/11 đã cảnh báo rằng việc các quốc gia phương Tây áp giá trần với dầu thô của Nga sẽ gây ra “những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu”.
"Nỗ lực của nhiều quốc gia phương Tây nhằm áp lệnh hạn chế đối với giá dầu thô Nga cũng đã được hai nhà lãnh đạo Nga – Iraq thảo luận. Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh rằng, các hành động như vậy trái với những nguyên tắc trong quan hệ thị trường, và điều này có khả năng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu", hãng tin Alarabiya dẫn thông cáo từ Điện Kremlin cho hay.