Xét thấy có khả năng không cân đối đủ tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện trong thời gian tới, EVN kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho phép được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Thông tin trên được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra tại tham luận gửi đến hội thảo về "Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn 2050”, do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 28/7.
EVN cho hay, nếu thanh toán tiền điện theo đúng hợp đồng thì theo tính toán, dự kiến từ tháng 7-12/2023, EVN sẽ thiếu hụt dòng tiền. Để đảm bảo dòng tiền thanh toán chi phí mua than, dầu, khí phục vụ sản xuất điện, EVN đang nợ tiền của các đơn vị phát điện.
Thời gian tới, có khả năng tập đoàn sẽ không cân đối đủ tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó, ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện.
EVN cũng cho biết đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện để đảm bảo vận hành an toàn, cung ứng điện cho các năm tiếp theo.
Cụ thể, việc không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến các chỉ số tài chính của EVN và các đơn vị thành viên, dẫn đến khó duy trì được kết quả đánh giá hệ số tín nhiệm hàng năm của EVN và các tổng công ty (EVNNPT, 5 Tổng công ty Điện lực) ngang bằng với hệ số tín nhiệm quốc gia.
Năm 2023, kế hoạch đầu tư xây dựng của EVN là 94.860 tỷ đồng. Với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, tập đoàn không thể trả nợ đúng hạn; các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay cho EVN. Ngoài ra chi phí, lãi suất các khoản vay tăng lên do đánh giá mức độ rủi ro tăng thêm đối với bên cho vay.
Do đó, Tập đoàn Điện lực đề nghị Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính cho EVN.
Cụ thể, EVN kiến nghị được điều chỉnh giá bán lẻ điện đầy đủ và kịp thời theo biến động các thông số đầu vào. Về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, EVN mong được Chính phủ và các Bộ, ngành cho phép tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.
Để có cơ sở xem xét việc điều chỉnh giá điện các lần tiếp theo trong năm 2023, giá điện tăng không giật cục, có lộ trình, tập đoàn kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.
Dự thảo thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến. Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng. Thời gian điều chỉnh tối thiểu là 3 tháng.
Trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN sẽ có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Giá điện cần theo thị trường
Tham luận tại hội thảo về giá điện gần đây, dại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đánh giá: Do điện là loại hàng hóa nhạy cảm, sự thay đổi về giá điện có thể ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân cũng như sản xuất của doanh nghiệp nên Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng đã quy định việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Việc quyết định điều chỉnh giá điện được cân nhắc trên cơ sở đánh giá chung về lạm phát cũng như ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, với một số năm, giá điện được giữ ổn định để đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Do vậy, cần nghiên cứu luật hóa quy định về cơ chế điều chỉnh giá điện để phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và phù hợp với thực tiễn điều hành giá điện các năm qua.
Cơ quan này cho rằng, cần thiết quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo định hướng phát triển thị trường điện, thực hiện các mục tiêu như: giá điện theo cơ chế thị trường, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng và hiệu quả, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý và điều hành giá điện thông qua hoạt động mua bán điện.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhìn nhận hiện nay, EVN - thực chất là công ty mẹ EVN - là người duy nhất mua, phân phối và cung ứng điện đến các hộ tiêu dùng. Tuy vậy, về cơ bản EVN không quyết định, áp đặt được giá mua, phải mua và bán điện theo giá do nhà nước quy định.
Ông Cung kiến nghị, cần cho phép Bộ Công Thương, EVN chủ động hơn trong điều chỉnh giá bán lẻ linh hoat theo kịp biến động của thị trường.
Ngày 4/5, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng thêm 3% (từ 1.864,44 đồng lên 1.920,3732 đồng/kWh), giúp EVN có thêm 8.000 tỷ đồng từ thời điểm tăng giá đến hết năm 2023.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, đã được Deloitte kiểm toán, tổng số lỗ năm 2022 của công ty mẹ EVN là hơn 26,5 nghìn tỷ đồng. Kết quả kinh doanh hợp nhất, EVN lỗ 20,7 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2021 đơn vị này lãi hơn 14,7 nghìn tỷ đồng.
Các số liệu được kiểm toán cũng cho thấy lý do lỗ của tập đoàn này. Đó là giá bán điện thấp hơn giá mua vào, thể hiện ở doanh thu bán điện và giá vốn điện.
Đề xuất EVN được tự tăng giảm giá điện dưới 5% mỗi quýNếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng. Thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng.