Theo báo cáo của hãng phân tích truyền thông xã hội Graphika và đại học Stanford, các chiến dịch truyền thông bí mật được xây dựng nhằm tuyên truyền quan điểm “thân phương Tây” đối với các vấn đề chính trị quốc tế, trong đó có cuộc chiến giữa Nga – Ukraine đang diễn ra.
“Sáng kiến Web xuyên khu vực”, một trong số chiến dịch nêu trên, có sự “giật dây” của chính phủ Mỹ, đã xây dựng một mạng lưới các tài khoản liên kết với nhau trên Twitter, Facebook, Instagram và 5 nền tảng truyền thông xã hội khác nhằm quảng bá thông tin có lợi cho Washington và đồng minh, đồng thời chống lại các quốc gia khác như Nga, Trung Quốc và Iran.
Margarita Franklin, người phát ngôn Meta, công ty mẹ của Facebook, xác nhận nền tảng này cùng với Twitter gần đây đã xoá bỏ một mạng lưới tài khoản có nguồn gốc từ Mỹ do vi phạm quy tắc về hành vi không xác thực. Đây là lần đầu tiên Facebook ngăn chặn mạng lưới nhắm vào nước ngoài có trụ sở tại Mỹ.
Theo đó, các mạng lưới tài khoản đã chia sẻ bài báo từ đơn vị truyền thông do Mỹ hậu thuẫn, trong đó dẫn liên kết tới những website do quân đội Mỹ tài trợ, nhằm chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Nhiều nước thường tìm cách tác động đến nhận thức công chúng về các sự kiện quốc tế ở những quốc gia khác. Chẳng hạn, những tài khoản trên Twitter và Facebook đã tạo ra những trang hồ sơ giả mạo, với hình ảnh kỹ thuật số, đóng giả làm các phương tiện truyền thông độc lập và cố gắng tiến hành các chiến dịch gắn “hashtag” (nhóm các nội dung tương tự) để tuyên truyền thông điệp đằng sau.
Vinh Ngô (Theo WashingtonPost)