FPT Software, công ty thành viên của tập đoàn công nghệ FPT, vừa được trao giấy phép xây dựng Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ tại Quy Nhơn (Bình Định).
Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ hội nghị về triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị. Hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, cùng sự tham gia của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương, tổ chức quốc tế.
Có tổng số vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, dự án Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ (Tổ hợp công nghệ) tại thung lũng Quy Hòa, khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Dự kiến, dự án được khởi công giai đoạn 1 trong quý 3/2023.
Theo FPT Software, Tổ hợp công nghệ này sẽ là nơi làm việc, nghiên cứu, học tập của 20.000 nhân sự công nghệ góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương cũng như thu hút nhân lực quốc tế, hướng đến mục tiêu đưa Quy Nhơn thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) của Đông Nam Á.
Đồng thời, là nơi cung ứng các dịch vụ công nghệ cao, dựa trên xu hướng thế giới như AI, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, tự động hóa… góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, cũng như thúc đẩy công nghệ trở thành ngành kinh tế quan trọng của Bình Định.
Bình Định đang là vùng đất lành thu hút nhà đầu tư do hội tụ đầy đủ yếu tố “thiên thời địa lợi nhân hòa”, đặc biệt là việc hạ tầng khu công nghiệp, giao thông được đầu tư đồng bộ.
Trước đó, cũng với kỳ vọng đưa Bình Định trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo hàng đầu khu vực, trung tâm khoa học thử nghiệm các công nghệ mới nhất của thế giới, từ năm 2021, FPT đã ký thỏa thuận lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Định hướng đầu tư mạnh mẽ cho phát triển trí tuệ nhân tạo của FPT còn được thể hiện qua thỏa thuận hợp tác giữa tập đoàn với Mila - Viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới. Một trong những mục tiêu quan trọng là dựa trên sự tư vấn và bề dày kinh nghiệm của Mila, hai bên sẽ xây dựng và phát triển Trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu thế giới tại Quy Nhơn.
Từ tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 với mục tiêu đưa công nghệ mới này trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định quan trọng liên quan đến chuyển đổi số đất nước, gồm Quyết định 749 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, Quyết định 942 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định 411 phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025. Các quyết định này đều nhấn mạnh đến ứng dụng AI trong lĩnh vực Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Mới đây, Bộ TT&TT đã ban hành Chiến lược phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 (Chiến lược AI ứng dụng). Chiến lược xác định tầm nhìn đến năm 2030, AI được áp dụng rộng rãi trong kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số, thông minh hóa các hoạt động kinh tế xã hội, hình thành lực lượng lãnh đạo, người lao động có tư duy AI và kỹ năng sử dụng AI.
Theo đó, Bộ TT&TT đề nghị các doanh nghiệp công nghệ số cung cấp sản phẩm, giải pháp AI ứng dụng trong đó có FPT triển khai một số việc như: Tập trung nghiên cứu, làm chủ công nghệ, phát triển các sản phẩm AI ứng dụng đặc thù của Việt Nam; xây dựng và cung cấp hạ tầng kỹ thuật, cung ứng dịch vụ AI ứng dụng cho doanh nghiệp…