Sản phẩm game PolyO đã đem về cho 3 nam sinh FPT Edu gồm Đức Nam, Văn Hoàng và Quốc Hùng ngôi vị Quán quân của cuộc thi FPT Edu Hackathon 2019. |
FPT Edu Hackathon là cuộc thi lập trình dành cho học sinh, sinh viên được Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education) tổ chức thường niên từ năm 2018. Trong lần thứ hai được tổ chức, cuộc thi có chủ đề công nghệ giải quyết các vấn đề môi trường. Thí sinh đưa ra ý tưởng sản phẩm công nghệ (app, game...) phát hiện và giải quyết một vấn đề ô nhiễm môi trường nào đó. Ban tổ chức kỳ vọng là một trong số các sản phẩm được phát triển sẽ thương mại hóa được trong tương lai, góp phần bảo vệ môi trường.
Tại vòng thi chung kết diễn ra mới đây, PolyO - game giúp người chơi phân loại rác thải của nhóm sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành Mobile của Cao đẳng thực hành FPT Hà Nội (FPT Polytechnic Hà Nội) đã là 1 trong 2 đội thi giành giải cao nhất cuộc thi.
Đại diện nhóm phát triển game Poly O chia sẻ, từ nhiều năm trước Việt Nam đã có nhận thức về sự cần thiết của việc phân loại rác thải. Hàng loạt chiến dịch kêu gọi người dân phân loại rác thải tại nguồn được đưa ra với mong muốn đưa Việt Nam trở thành một trong những nước thành công trong việc xử lý rác thải tại nguồn. Tuy nhiên, cho tới tới nay, tình trạng phân loại và xử lý rác thải vẫn chưa được cải thiện vì hầu như người dân không nắm bắt được cách thức cũng như chưa có thói quen với việc phân loại rác thải.
Đứng trước tình hình đó, nhóm ba sinh viên FPT Edu gồm Đức Nam, Văn Hoàng, Quốc Hùng – những sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành Mobile đã sáng tạo ra game PolyO - một sản phẩm game có chức năng cung cấp thông tin về phân loại rác.
Sinh viên Bùi Đức Nam, Trưởng nhóm PolyO cho biết, game hướng tới những đối tượng trẻ, đặc biệt là các bạn nhỏ, nhằm giúp các bạn có kiến thức trong việc phân loại rác, từ đó giúp rác thải dễ dàng xử lí hơn, góp phần giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của rác thải với môi trường.
Với mục đích chính là giúp người chơi luyện tập những kiến thức liên quan tới phân loại rác, trong game PolyO, người chơi sẽ tương tác trực tuyến với những người chơi khác để cùng thực hiện nhiệm vụ phân loại những loại rác bắt gặp trên đường đi.
Người chơi sẽ phải thực hiện nhiệm vụ phân loại rác thải để nhận điểm thưởng và giành chiến thắng |
Cũng giống như những game online thông thường, để vào được trò chơi, người chơi cần đăng ký tài khoản, nhập nickname của mình, rồi sau đó lựa chọn phòng chơi, loại bản đồ, mức độ khó của trò chơi. Sau khi tạo lập phòng chơi, những người chơi có trong phòng cần sử dụng những phím di chuyển cơ bản như tiến, lùi, nhảy để di chuyển nhân vật và tìm các loại rác trong bản đồ. Khi người chơi bắt gặp những loại rác trên đường đi, ứng dụng sẽ ngay lập tức hiển thị ba thùng rác tương ứng với rác tái chế, rác vô cơ, rác hữu cơ để người chơi lựa chọn. Nếu chọn đúng, màn hình sẽ hiển thị thông báo có màu xanh và lập tức cộng điểm cho người chơi. Còn khi chọn sai, người chơi sẽ nhận được thông báo màu đỏ và không được cộng điểm.
Bên cạnh những hoạt động của người chơi trong game, nhóm PolyO cũng phát triển kho dữ liệu phân loại rác thải. Điểm đặc biệt của kho dữ liệu này nằm ở việc có thể liên tục cập nhật những loại rác thải mới, để làm phong phú thêm kiến thức cho người chơi. Bên cạnh đó, việc game được xây dựng trên cảm hứng từ những tựa game huyền thoại như Mario, Contra, Bắn xe tăng, kết hợp với tính chất thi đấu đối kháng trực tiếp cũng tăng thêm tính hấp dẫn.
PolyO đã phát triển một hệ thống quản lý “rác thải” để có thể liên tục cập nhật những loại rác mới, từ đó thường xuyên cập nhật kiến thức mới cho người chơi |
Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện sản phẩm, đại diện nhóm sinh viên cho biết: “Tất cả các thành viên của nhóm mình đều mới chỉ là sinh viên năm nhất, hiểu biết vẫn còn có hạn nên tất cả những kiến thức mà chúng mình sử dụng đều chỉ gói gọn trong các phần mềm và ngôn ngữ lập trình thông dụng như Unity, Android Studio, C# và Java. Đây là một thách thức với nhóm”.
Dù cả ba thành viên của nhóm chỉ mới là sinh viên năm nhất, kiến thức được sử dụng cũng đều là kiến thức cơ bản, nhưng nhờ sự sáng tạo trong cách thức thực hiện và độ hoàn chỉnh của sản phẩm, PolyO được đem đi dự thi FPT Edu Hackathon đã thuyết phục Ban giám khảo và mang về ngôi vị cao nhất tại bảng thi đấu của mình. Nhóm đang phát triển thêm những tính năng mới trước khi chính thức đưa sản phẩm vào sử dụng.