Nếu đã từng nghĩ rằng PUBG Mobile bị cấm lưu hành tại Trung Quốc sẽ khiến cho Tencent thất thoát một khoản thu khổng lồ thì rõ ràng là bạn đã nhầm to!
Theo những báo cáo mới đây của Sensor Tower, tựa game “nhái”/thay thế (clone) của PUBG Mobile có một cái tên rất lạ là “Game for Peace” (tạm dịch là Trò Chơi Hòa Bình) đã thu về khoảng 70 triệu USD cho Tencent.
Nó còn nhiều hơn số tiền mà PUBG Mobile kiếm được trên toàn thế giới tính trong tháng 4/2019 (dĩ nhiên là không tính ở thị trường Trung Quốc) và ít hơn 6 triệu USD so với bản gốc vào tháng trước.
Tổng cộng, Game for Peace và PUBG Mobile đã tăng 126% doanh thu cho Tencent trong khoảng từ tháng 4-5/2019.
Trải nghiệm Game for Peace - sản phẩm "đạo nhái" PUBG Mobile của Tencent - phát hành độc quyền ở thị trường tỷ dân
Trước đó, Tencent đã đấu tranh để được chính phủ Trung Quốc cho phép lưu hành PUBG Mobile tại quốc gia đông dân nhất thế giới – nơi nổi tiếng với việc kiểm soát gắt gao nội dung game. Nhưng sau khoảng một năm bất thành và không kiếm được bất cứ đồng nào từ tựa game battle royale nổi tiếng nhất trên mobile, Tencent đã từ bỏ ý định trên.
Đó là lý do chính khiến họ tạo ra Game for Peace, tựa game có thể đem về cho nhà phát triển từ 1.18 – 1.48 tỷ USD mỗi năm – theo ước tính của China Renaissance. Và nếu Game for Peace cứ tiếp tục giữ vững phong độ như tháng đầu tiên, nó có thể “kiếm chác” 840 triệu USD sau một năm ra mắt.
Vậy làm thế nào mà Tencent lại thuyết phục được chính phủ Trung Quốc thông qua Game for Peace – tựa game ăn theo PUBG Mobile?
Tencent đã trả lời Reuters rằng “chúng là những tựa game khác biệt về thể loại” nhưng rõ ràng nó không hề đúng. Từ lối thiết kế hình ảnh, các bản đồ và ngay gameplay của Game for Peace cũng được Tencent “sao y bản chính” từ PUBG Mobile.
Thậm chí, Tencent còn tạo điều kiện người chơi Trung Quốc có thể đồng bộ level cùng các items in-game của nhân vật từ PUBG Mobile sang game “nhái” Game for Peace.
Có lẽ lý do nằm ở việc Game for Peace không khiến ai thực sự phải chết cả. Đúng vậy, bạn không nhầm đâu dù đây là một game sinh tồn, nơi người chơi phải tìm mọi cách để triệt hạ nhau để giành chiến thắng. Bắn hạ kẻ địch trong Game for Peace khiến chúng gục xuống, vẫy tay nói lời chào tạm biệt rồi sau đó biến đi đâu mất không ai hay?!
Có vẻ như nếu không có ai phải chết thì sẽ không dẫn tới những vấn đề phức tạp và cũng chẳng làm ai “nghiện game” cả?!
“Nhưng tôi chẳng hề mong mỏi điều đó (người chơi không chết trong game). Ngay khi tôi cập nhật Game for Peace, nó đưa tôi trở lại đúng với level (trong PUBG Mobile). Tựa game đã (tự ý) thay đổi nickname và trở nên đời thường hơn để được (chính phủ) chấp thuận)” – VPEsports dẫn lời một game thủ trên Weibo.
Trong khi Tencent đang gặt hái được những kết quả khả quan với Game for Peace và đang trên đà kiếm được 1 tỷ USD từ sản phẩm của họ thì đối thủ lớn nhất trện thị trường, Fortnite của Epic Games, vẫn đang bị cấm tại Trung Quốc.
Thực tế là Fortnite không hề dính dáng chút gì tới yếu tố bạo lực, hình ảnh máu me.
2016 (Theo VPEsports)