Xu hướng thay đổi theo thời gian

Cùng với sự thay đổi của công nghệ, giới trẻ ngày càng có thêm nhiều lựa chọn để trải nghiệm và khám phá. Tuy nhiên, game online vẫn là một trong những lựa chọn giải trí hàng đầu, phù hợp với số đông. Để duy trì vị thế, các tựa game cũng luôn được cập nhật, làm mới theo thị hiếu của game thủ.

Trải qua thời gian, các thể loại game được bổ sung đa dạng và trở nên tương thích với nhiều nền tảng. Từ những tựa game offline nhập vai thông thường, công nghệ hiện đại đã mang đến những trò chơi có chất lượng hình ảnh đáp ứng được mọi yêu cầu về thị giác và cả cảm xúc.

Không còn gói gọn ở những thiết bị chơi game cầm tay, khi PC và smartphone trở nên phổ biến, các nhà phát triển tự chuyển dịch theo xu hướng mới. Giờ đây, các trò chơi còn có thể trải nghiệm trên VR, Smart TV…và các thiết bị ngoại vi khác.

{keywords}
Game thủ Việt ngày càng trở nên khó tính hơn. (Ảnh minh họa)

Thị trường bão hòa trở lại

Thời điểm Internet trở nên phổ biến tại Việt Nam, giai đoạn 2000-2005 được coi như thời hoàng kim của làng game Việt, với những tựa game online còn khá sơ khai nhưng cũng để lại nhiều dấu ấn. Có thể kể đến những cái tên gắn liền với tuổi thơ của thế hệ game thủ 8x như Võ Lâm Truyền Kỳ, MU Online, Gunbound…bên cạnh những game offline đình đám khác.

Không lâu sau đó, hàng loạt game online hấp dẫn như Con Đường Tơ Lụa, Prison Tale, Thiên Long Bát Bộ, Cửu Long Tranh Bá, Boom Online, Đột Kích, Audition…bắt đầu du nhập thị trường Việt Nam và tạo nên một làn sóng mới trong giới game thủ. Đây là thời điểm định hình nên các nhà phát hành Tứ trụ của làng game Việt.

Bẵng đi một thời gian, xu hướng webgame (game trên trình duyệt) bắt đầu đổ bộ. Sự bành trướng đầy tham vọng của TTV Online, Sgame…với những đầu game sở hữu hàng trăm server đã làm thay đổi hoàn toàn định kiến của người chơi. Nhiều sản phẩm để lại dấu ấn đến tận bây giờ như Võ Lâm Chi Mộng, Tam Quốc Truyền Kỳ, Ngọa Long, Kiếm Tung…Sự xuất hiện của trào lưu webgame góp phần không nhỏ trong việc chuyển dịch người chơi khỏi giai đoạn “cày cuốc” trở thành giải trí. Game trên trình duyệt cũng từng bị “hắt hủi” một thời gian bởi tính chất “ăn xổi” và nhanh chóng thoái trào.

Cuối cùng, khi bắt đầu đặt chân lên nền tảng di động, cũng là lúc thị trường game Việt tìm lại được ánh hào quang của một thời vàng son, bởi mức độ phổ biến trở nên rộng khắp.

Đây cũng là lúc các thể loại game mới như Moba, H5, game sinh tồn… lộ diện và nhanh chóng nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ người chơi. Đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung và không cần bàn cãi về mức độ thuận lợi, cứ thế game online trở nên đại chúng hơn và trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu, chẳng phải của riêng giới trẻ.

Có thể nói, làn sóng game Moba, sinh tồn cũng góp phần định hình nên một xu hướng Thể thao điện tử mới. Vòng lặp về chu kỳ game lại bắt đầu, ấy là sự bão hòa cả về thị trường và thị hiếu của game thủ.

Chiêu thức kinh doanh chụp giật phải thay đổi

Dù phong phú về số lượng đầu game, đa dạng về thể loại và khả năng tương thích với nhiều thiết bị, thế nhưng nhiều game thủ giờ đây vẫn phải thốt lên rằng không biết chơi gì.

Vấn đề lại không nằm ở việc không có game để chơi. Khi tiến hành hợp thức hóa phát hành trung gian, cùng với số lượng không ít nhà phát hành trong nước, có hàng ngàn đầu game để người chơi lựa chọn. Thế nhưng họ vẫn không biết chơi gì?

Từng gắn bó với một trong những nhà phát hành thuộc top đầu của Việt Nam, cũng kinh qua hàng loạt game với nhiều thể loại, thế nhưng gamer N.T.H ngậm ngùi chia sẻ: “Thực ra cái gì cũng đều có giới hạn nhất định. Xác định chơi game để giải trí và sẵn sàng nạp thẻ ủng hộ nhưng mình không phải là bình máu để hút. Xuất huyết (các thuật ngữ nói về việc kích thích người chơi nạp thẻ) nhiều quá ai chịu nổi”.

Trường hợp của N.T.H không phải là ngoại lệ. Chưa tính đến chuyện vòng đời của các tựa game những năm gần đây ngày một ngắn dần theo thời gian. Thậm chí, không ít tựa game có tuổi thọ chỉ tính bằng ngày, tháng. Vấn nạn các nhà phát hành kinh doanh dịch vụ một cách chụp giật càng là điều “nói nữa, nói mãi”.

Vẫn biết, câu chuyện về doanh thu luôn là bài toán khó giải. Thế nhưng khi niềm tin của người chơi ngày một nhạt nhòa, không chỉ sản phẩm mà cả thương hiệu gây dựng bao năm của nhà phát hành lại trở thành nỗi ám ảnh của nhiều game thủ.

Khi có quá nhiều lựa chọn, tầm mắt của game thủ Việt sẽ hướng nhìn xa hơn và trở nên khắt khe, khó tính hơn. Đồng nghĩa với việc họ có thể bỏ qua thị hiếu để lựa chọn dựa trên những đánh giá từ sự trải nghiệm.

Nếu không còn là lựa chọn tối ưu hàng đầu của người chơi, tuổi đời của các tựa game cũng bị rút ngắn. Và hình thức kinh doanh chụp giật dựa trên chiêu trò là cách nhanh nhất để các nhà phát hành bức tử những dự án “con cưng” của chính mình.

Lưu Điệp 

 

Hàng loạt game thủ bị Facebook Gaming cắt hợp đồng, AoE Việt sẽ đi về đâu?

Hàng loạt game thủ bị Facebook Gaming cắt hợp đồng, AoE Việt sẽ đi về đâu?

Facebook Gaming đã làm thay đổi cộng đồng AoE Việt Nam trong gần 2 năm nay với việc nhiều game thủ có được thu nhập ổn định nhờ những bản hợp đồng livestream trên nền tảng Facebook.