Game cũng là một mảng trong ngành giải trí và đương nhiên gamebiz cũng giống showbiz, đầy rẫy những chiêu trò đánh bóng tên tuổi. Nếu như showbiz, đối tượng ở đây là các sao (những nhân vật được xem là "người của công chúng") thì gamebiz lại là cuộc chiến giữa những tựa game được nhập tràn lan với chất lượng... còn xét.
"Nổ"
Những vụ tự "bơm" bản thân lên tận mây xanh của Angela Phương Trinh khi tuyên bố có đại gia sẵn sàng chi ra 20.000 USD chỉ để được gặp mặt cô... 20 phút hay nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường tự tin chia sẻ: "Tài năng của tôi có muốn cũng không phủ nhận được"... từng làm xôn xao showbiz. Gamebiz thì sao? Game về Việt Nam thì toàn "bom tấn", "siêu phẩm", "mua với giá hàng chục nghìn đô", "thành công rực rỡ tại thị trường bản xứ"...Và sự thật chỉ được phơi bày khi loạt game "siêu phẩm" có buổi ra mắt hoành tráng, mời toàn nhân vật có máu mặt trong showbiz đi offline, ra mắt game tại bar... dần dần tắt hết kèn trống.
Dựa hơi người nổi tiếng
Năm 2009, Lý Nhã Kỳ từng khiến dư luận bàng hoàng khi tổ chức họp báo hoành tráng vì cô được mời đóng phim Thượng Hải (Shanghai) cùng với dàn diễn viên nổi tiếng: Châu Nhuận Phát, Củng Lợi, John Cusack. Thậm chí cô còn kể những sao Hollywood nổi tiếng này quan tâm chăm sóc mình từ đầu đến chân thế nào. Đến khi phim ra mắt, người xem "chưng hửng" vì Lý Nhã Kỳ chỉ đóng vai vũ nữ quần chúng chạy qua màn hình không quá 2 giây, mà nếu không để ý kỹ, người quen còn khó nhận ra. Dựa hơi người nổi tiếng!
Chơi xấu
Gamebiz thì khác, gamebiz là lấy game "không liên quan" để so sánh với những tựa game đỉnh. Webgame Trung Quốc so sánh với God of War (trường hợp của Vinh Quang Thần Thánh), game mobile bối cảnh phương Tây lại "bám váy" Liên Minh Huyền Thoại (lấy tên Liên Minh Huyền Bí), game tiên hiệp lậu lấy hình ảnh Hiệp Khách Giang Hồ... là những sự đối chiếu kệch cỡm. Thiết kế logo giống, "mượn" slogan, "ăn cắp" hình ảnh để thiết kế teaser, trang chủ, sự kiện đều là những hành động khiến game thủ ngao ngán và thất vọng.
Showbiz có chơi ngải, fan cuồng ném gạch đá thì gamebiz có DDOS, có seeder tuyên truyền bậy bạ và nói xấu đối thủ. Nếu sau khi bị chơi ngải, đa phần đối tượng đều kiệt quệ tinh thần, sa sút trong làm việc thì khi bị DDOS, máy chủ các game online đều tê liệt và game thủ đương nhiên rất khó khăn hoặc không thể truy cập dịch vụ. Hậu quả thấy rõ tác phong làm việc của sao thì bị đánh giá tệ hại còn người chơi không thể vào game khi game mới ra mắt đều la ó phản đối.
Gamebiz cũng giống showbiz nhưng còn tệ hơn
Seeding game tạm đại diện cho các fan cuồng khi bảo vệ game/sao của mình một cách hăng hái. Vụ fan Mỹ Tâm ném chai lọ phản đối Hồ Ngọc Hà nhận giải HTV Awards "na ná" như việc các seeder "nằm vùng" trên nhiều các diễn đàn, fansite và tìm mọi cách hút game thủ vào topic quảng bá sản phẩm từ NPH thuê họ, giúp nó luôn nằm ở vị trí "hot", dễ phát hiện, tạo hiệu ứng ảo về thần tượng hoặc game đó. Tuy nhiên các seeder này thay vì đưa ra những bình luận mang tính xây dựng thì đã tìm mọi cách để nói xấu, dìm hàng sản phẩm của đối phương.
Ca sĩ có gây scandal thì khi có bài hát hay vẫn có thể được đón nhận, người mẫu dính "phốt" nhưng có gu thời trang tinh tế vẫn sẽ được vinh danh. Về phía game, vốn đã bị rất nhiều điều tiếng xấu "vu vơ" như gây bạo lực, phạm pháp nên phản ứng của giới truyền thông đa phần đều rất tiêu cực. Game ra mắt, NPH hưởng lợi nhưng chính các NPH đã dùng chiêu trò để tự "vả" vào nguồn thu của mình - chính là các game thủ nhưng vẫn luôn đòi hỏi game thủ phải đón nhận, phải nạp tiền để nuôi những game chất lượng thấp kém, dịch vụ lởm khởm.
Theo Vnexpress