Từng có thời kỳ, sầu riêng phủ sóng chợ Hà Nội, đổ sống trên vỉa hè bán với giá rẻ, thậm chí phải kêu gọi “giải cứu”. Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, sầu riêng dần vắng bóng, tìm cả chợ không thấy một hàng nào bán loại quả này.
Cũng bởi vậy, sầu riêng không còn là loại trái cây được chị Cao Thanh Loan ở Trần Điền (Thanh Xuân, Hà Nội) chọn lựa đặt vào giỏ hàng của mình mỗi khi đi chợ, dù cả gia đình chị đều mê.
Bẵng đi một thời gian, đến hôm qua, nhìn thấy ảnh múi sầu vàng ươm tại một cửa hàng trái cây online, chị Loan liền hỏi mua. Thế nhưng, khi nhận được câu trả lời “cơm sầu Ri6 VIP giá 850.000 đồng/kg, nguyên trái 265.000 đồng/kg” chị giật mình vì quá đắt đỏ.
“Sầu riêng đã qua thời giá rẻ. Với mức giá như hiện nay, gần như chỉ các gia đình khá giả mới mua ăn”, anh Phùng Văn Kiên - đầu mối bán sầu riêng ở Ba Đình (Hà Nội), chia sẻ với PV.VietNamNet khi nói về giá "trái cây vua".
Anh Kiên cho hay, từ khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá sầu đã tăng chóng mặt. Thời điểm này vào nghịch vụ hàng hiếm, thương lái vẫn ráo riết gom mua để xuất khẩu nên giá sầu tại thị trường nội địa càng trở nên đắt đỏ.
Cơm sầu Ri6 tươi hàng VIP giá 850.000 đồng/kg, hàng đông lạnh cũng đã lên tới 550.000 đồng/kg. Theo anh, đây là mức giá đắt nhất từ khi anh buôn bán sầu riêng. Dù vậy, có những thời điểm anh vẫn không thể nhập hàng về bán vì khan hiếm.
Tại các cửa hàng ở Hà Nội, cơm sầu riêng Ri6 và Monthong được bán với giá dao động từ 550.000-850.000 đồng/kg, sầu nguyên trái giá 220.000-280.000 đồng/kg. Mức giá này áp dụng với hàng bao đổi nếu cơm sầu sượng.
Theo các chủ cửa hàng, thời điểm này sầu riêng về “nhỏ giọt” do nghịch mùa. Một số cửa hàng phải tạm thời ngừng bán vì giá quá cao.
Thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có diện tích trồng sầu riêng top đầu thế giới. Theo thống kê, diện tích loại cây trồng này ở nước ta đã lên tới 130.000ha, sản lượng ước đạt trên 1 triệu tấn/năm (mới khoảng 60% diện tích cho thu trái).
Song, từ cuối năm 2022 đến nay, sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã đẩy giá loại trái cây này tăng vọt. Riêng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc thu về 2,1 tỷ USD, tăng 1.036% so với năm trước đó.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng đạt 172 triệu USD, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Trung Quốc dẫn đầu, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng.
Không chỉ sầu riêng tươi nguyên quả, các dạng sầu riêng có vỏ, sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng không có vỏ đông lạnh đang được đẩy mạnh quá trình mở cửa thị trường Trung Quốc.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đang yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra, đánh giá thực địa và tổng hợp danh sách các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh có đủ hồ sơ, trang thiết bị máy móc đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Đây là quá trình hoàn tất thủ tục để ký nghị định thư xuất khẩu sầu đông lạnh sang Trung Quốc.
Thời điểm này vào nghịch vụ thu hoạch, sầu riêng Ri6 được thương lái thu mua với giá 115.000-135.000 đồng/kg; sầu riêng Monthong ở mức 185.000-212.000 đồng/kg - cao kỷ lục lịch sử.
Trao đổi với PV VietNamNet, anh Bùi Văn Công, đầu mối thu mua sầu riêng ở Cần Thơ, thừa nhận, do Trung Quốc “ăn hàng” nên giá sầu tăng cao. Đặc biệt, ở vụ nghịch này hàng không nhiều, giá lại càng đắt đỏ. Do đó, các đầu mối đều ưu tiên gom hàng đóng container xuất khẩu, sầu bán sỉ cho các cửa hàng trong nước không nhiều.
Trước kia, tỷ lệ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa sầu riêng là 50/50. Song, từ cuối năm ngoái đến nay, anh Công chủ yếu làm hàng để xuất khẩu, lượng sầu riêng xuất cho các mối sỉ trong nước chỉ khoảng 15%.
“Giá sầu đắt đỏ, nhiều đầu mối cũng không dám nhập về bán vì kén khách, không phải ai cũng có tiền để mua loại quả này”, anh nói. Bởi vậy, sầu riêng vắng bóng tại các chợ.
Thậm chí, nếu tới đây nước ta được xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc thì giá tại thị trường nội địa sẽ luôn neo ở mức cao, kể cả khi bước vào chính vụ, anh Công nhận định.