Vừa nhận lương tháng 11, chị Hồ Thanh Nga ở Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân, Hà Nội) quyết định mua 2kg cơm sầu riêng để cả gia đình cùng thưởng thức. Đến khi hỏi giá tại cửa hàng trái cây gần nhà, chị giật mình vì cơm sầu Ri6 lên tới 780.000 đồng/kg.

“Không ngờ giá sầu riêng lại đắt đỏ đến vậy”, chị nói. Gia đình chị vốn thích ăn sầu riêng. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay sầu riêng tăng giá, chị cũng ít mua ăn hơn. Lần mua gần đây nhất là vào dịp hè, giá cơm sầu 450.000 đồng/kg. Nay cơm sầu giá đắt gần gấp đôi.

“Nhân viên bán hàng nói, Trung Quốc nhập nhiều nên giá sầu tại vườn tăng cao ngất ngưởng. Hàng loại 1 bán tại chợ Việt khan hiếm, giá càng đắt đỏ hơn”, chị chia sẻ.

Trao đổi với PV.VietNamNet, chị Phạm Thị Trúc Diễm – chủ cửa hàng bán sầu riêng tại Thanh Xuân – thừa nhận, sầu riêng giờ không còn giá bình dân như trước. 

W-sau-rieng.jpg
Cơm sầu riêng có giá bán vô cùng đắt đỏ tại chợ Việt (Ảnh: Mạnh Khương)

Chị Diễm buôn bán sầu được 6 năm nay. Giá sầu riêng có lúc đắt lúc rẻ tuỳ thuộc vào mùa vụ và nguồn cung. Song, trước tháng 7 năm ngoái, sầu riêng có mức giá khá bình dân. Nhiều lúc sầu rớt giá, hàng nguyên quả bán tại chợ Hà Nội chỉ 55.000-70.000 đồng/kg tuỳ loại. Cơm sầu dao động trong khoảng 200.000-300.000 đồng/kg.

Từ khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá tăng vọt. Có thời điểm chị còn phải ngừng nhập hàng vì giá quá đắt đỏ.

“Hiện giá sầu nguyên quả tăng lên mức 210.000 đồng/kg, cơm sầu có giá gần 700.000 đồng/kg”, chị chia sẻ. Theo chị, mức giá này áp dụng với hàng VietGAP, bao đổi cho khách khi sầu bị sượng.

Giá đắt đỏ, tại cửa hàng của chị Diễm lượng khách mua cũng giảm đi đáng kể do kinh tế khó khăn, các gia đình đều thắt chặt chi tiêu. Theo chị, năm ngoái khi giá chưa tăng, có rất nhiều khách hàng mới đặt mua sầu riêng. Bây giờ, sầu riêng trở thành loại trái cây có giá cao top đầu tại thị trường Việt nên kén khách mua hơn. Tại cửa hàng của chị, tệp khách quen đặt mua sầu cũng giảm khoảng 30%. 

Chọn buôn bán dòng sầu riêng hữu cơ vốn có giá cao hơn các loại sầu khác, nay giá sầu tại vườn vọt tăng đẩy giá bán lẻ cơm sầu lên cao ngất ngưởng, anh Nguyễn Tuấn Đạt (chủ một cửa hàng sầu riêng tại Ba Đình, Hà Nội) cho hay.

Cửa hàng anh Đạt bán cơm sầu riêng Ri6 hữu cơ với giá gần 800.000 đồng/kg. Đây là mức giá đắt đỏ nhất kể từ khi anh nhập dòng sầu hữu cơ về bán.

“Trước đó có những thời điểm khan hàng giá sầu tăng mạnh. Thế nhưng, cơm sầu cũng chỉ dừng ở ngưỡng 600.000-700.000 đồng/kg, không đắt đỏ như bây giờ”, anh nói.

sau rieng.jpg
Giá sầu riêng tại vườn tăng mạnh kể từ khi loại quả này được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc (Ảnh: Nguyễn Huế)

Tại chợ Hà Nội, sầu riêng nguyên trái được các cửa hàng rao bán phổ biến ở mức giá 170.000-250.000 đồng/kg tuỳ loại. Với cơm sầu riêng, giá dao động từ 350.000-800.000 đồng/kg.

Thực tế, từ tháng 9/2022 đến nay, sầu riêng sốt giá do loại quả này được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Thời điểm đầu năm nay, giá sầu nguyên quả tại vườn còn vọt tăng lên mức 170.000-200.000 đồng/kg - mức kỷ lục lịch sử.

Thông tin từ Hiệp hội rau quả Việt Nam, Trung Quốc đã chi hơn 2 tỷ USD để gom mua sầu riêng của nước ta trong 11 tháng qua. 

Hiện, thủ phủ sầu riêng Tây Nguyên gần như đã hết vụ thu hoạch. Trong khi, ở khu vực miền Tây sầu riêng nghịch vụ mới bắt đầu cho thu hoạch, sản lượng chưa nhiều. Do đó, thương lái lùng sục khắp các vườn mua hàng với giá cao chót vót để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ngày 1/12, sầu riêng Ri6 được thu mua tại vườn với mức giá từ 100.000–120.000 đồng/kg; sầu riêng Monthong ở mức 125.000–145.000 đồng/kg; sầu riêng Musang King có giá 160.000–190.000 đồng/kg.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX Sầu riêng Riêng Ngũ Hiệp (Tiền Giang), cho biết giá sầu riêng đang cao chót vót, nhà vườn có bao nhiêu thương lái mua hết bấy nhiêu. Theo ông, ở khu vực Tây Nam Bộ mới bước vào mùa sầu riêng nghịch vụ, song hàng không dồi dào như vụ thuận. Nguồn cung khan hiếm, thị trường Trung Quốc vẫn “ăn mạnh” đã đẩy giá sầu riêng tăng dựng đứng những ngày gần đây.

“Ngoài lượng sầu của HTX, tôi vẫn thu mua sầu tại các nhà vườn theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu và đổ sỉ cho các cửa hàng tại thị trường nội địa. Dịp này, lượng sầu gom mua mỗi ngày dao động từ 1-2 container”, ông nói. 

Song, ông thừa nhận, khi sầu riêng được các vựa thu mua với giá cao để xuất khẩu thì giá sầu bán cho các mối sỉ tại thị trường nội địa cũng bị đẩy lên mức cao tương ứng. Đây là lý do khiến giá sầu riêng tại chợ Việt luôn đắt đỏ.