Tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang tin điện tử, mạng xã hội

Số liệu từ Cục Báo chí, hiện có 816 cơ quan báo in và điện tử. Trong đó, có 138 báo, 369 tạp chí chuyên ngành và 309 tạp chí khoa học. Năm 2022, Bộ TT&TT bước đầu xác định hơn 30 tạp chí có dấu hiệu “báo hóa” và một số cơ quan báo chí có biểu hiện “tư nhân hóa”, chủ yếu của các Hội xã hội, xã hội nghề nghiệp và một số viện nghiên cứu.

{keywords}
Lãnh đạo Cục Báo chí tại buổi trao đổi, nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và tư nhân hóa báo chí 

Đại diện Cục Báo chí cho biết dấu hiệu báo hóa tạp chí như chú trọng tới các vấn đề nóng, tiêu cực nhưng không hoặc có rất ít thông tin kiến giải, lý luận; đăng tải tin bài ngoài tôn chỉ, mục đích; phóng viên sử dụng chức danh để thực hiện các điều tra, phóng sự theo đơn thư; trình bày giao diện và nội dung cũng gây nhầm lẫn…

Ngoài ra, có tình trạng một số tạp chí thực hiện “rửa nguồn” thông tin cho trang thông tin tổng hợp để đăng thông tin thời sự xã hội. Việc đăng lượng thông tin quá lớn xong dẫn nguồn sang các trang thông tin điện tử tổng hợp dẫn đến tình trạng trang thông tin điện tử chi phối cơ quan báo chí liên kết.

Nêu ví dụ cụ thể, đại diện Cục Báo chí cho biết rà quét ngày 28/3/2022 trên trang thông tin điện tử của một công ty truyền thông cho thấy trang tin dẫn nguồn 213 bài xuất bản trong ngày từ các nguồn, tạp chí khác nhau, trong đó có tới 55 bài “dẫn nguồn” của một tạp chí chuyên ngành. 

{keywords}
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (PTTH và TTĐT) cho biết, tình trạng tương tự xảy ra với các trang tin điện tử và mạng xã hội. Hiện có 1.750 trang thông tin điện tử tổng hợp do cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp hay các cơ quan báo chí quản lý.

Ông Tự Do đánh giá, nhóm trang tin do doanh nghiệp làm chủ thường có nhiều biểu hiện báo hóa khi sử dụng tên miền gây nhầm lẫn, tự sản xuất tin bài rồi chuyển cho cơ quan báo chí….Dấu hiệu chung của tình trạng này là thiết kế giao diện, chuyên mục như một cơ quan báo chí, mạng xã hội nhưng không có tương tác của người dùng; có đội ngũ phóng viên, cộng tác viên tác nghiệp như ở các cơ quan báo chí.

Lý giải nguyên nhân, ông Tự Do cho rằng do các quy định hiện nay còn bất cập, tuy nhiên, thực tiễn tình trạng các địa phương khi xử lý tình trạng báo hóa có nhiều hạn chế. “Hầu hết các địa phương chỉ nhắc nhở, vì các quy định pháp luật chưa rõ ràng. Nhưng nếu chúng ta chờ quy định thi việc báo hóa trang tin, mạng xã hội lại càng nhức nhối và dễ bị lợi dụng hơn”, ông Tự Do nói.

Lãnh đạo Cục PTTH và TTĐT cho biết, hiện dự thảo sửa đổi Nghị định 72 về quản lý, cũng cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã trình chính phủ và dự kiến sẽ ban hành trong năm nay.

Địa phương “than khó” trong quản lý

Theo ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT, địa phương này có 985 trang thông tin điện tử, trong đó 639 trang đang hoạt động và 349 trang đã dừng hoạt động. Nhưng thực tế rà soát cho thấy có tới 1.389 trang đang hoạt động không có giấy phép. Trong số này có 230 trang có lượt tương tác và người xem trên 2.000 người/ngày. Ông Lương đánh giá, tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp là vấn đề nóng đã tồn tại kéo dài nhưng chưa biết xử lý từ đâu. Chẳng hạn như tại TP.HCM, năm 2021, Sở TT&TT mới xử lý 60 trường hợp, trong đó cơ bản hướng dẫn gọi nhắc nhở và xử lý vi phạm hành chính 60 triệu đồng.

{keywords}
Các địa phương tham dự theo hình thức trực tuyến

Cùng ý kiến, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó giám đốc sở TT&TT Hà Nội cho biết, địa phương này có 414 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử nhưng có tới hơn 500 trang đang hoạt động. Biểu hiện “báo hóa” nằm trang tin điện tử tập trung ở một vài đơn vị. Các trang thông tin điện tử vi phạm quy định có thể xử lý, nhưng đa phần trang báo hóa lại đúng quy định, lách luật, được quyền trích lại nguồn tin từ cơ quan báo chí, nếu ko có thỏa thuận, “tiếp tay” thì các trang thông tin điện tử không thể hoạt động. “Cần sớm luật hóa các nội dung để tạo điều kiện cho các Sở TT&TT, vì chúng tôi xử lý theo thủ tục hành chính”, Bà Hương nói.

Về phía mình, đại diện Sở TT&TT TP.HCM cũng đề xuất cơ quan quản lý xem xét, rà soát, đánh giá tổng thể hoạt động của các chuyên trang, nhất là các trang có dấu hiệu liên kết và khoán trắng cho đối tác liên kết thực hiện nội dung. Đồng thời, có hướng dẫn, ban hành quy định về quy trình tác nghiệp riêng với các tạp chí để các địa phương biết, giám sát và quản lý vi phạm.

Siết quản lý hoạt động trang tin điện tử, mạng xã hội

Đại diện Học viện Báo chí và Tuyên truyền đánh giá, tình trạng báo hóa trang tin điện tử, mạng xã hội nguy hiểm, gây hiểu nhầm cho công chúng và làm giảm vai trò, vị thế của báo chí trong xã hội. Ngoài ra, còn có tình trạng xuất hiện các quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội lợi dụng thương hiệu, uy tín của các cơ quan báo chí để thực hiện hoạt động thương mại.

{keywords}
Đại diện Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại tọa đàm.

Đại diện Cục Báo chí cho biết hiện đang xem xét tạm dừng cấp phép mới hoạt động báo chí ở một số cơ quan chủ quản, khi thấy rõ các cơ quan này không có khả năng đảm bảo đủ điều kiện hoạt động. Đồng thời cũng không gia hạn giấy phép với các cơ quan đã hết hạn giấy phép, nhưng không rõ định hướng hoạt động hoặc đã có sai phạm, nhắc nhở, chấn chỉnh xử lý nhưng không có thay đổi, chuyển biến.

Còn ở lĩnh vực thông tin điện tử và mạng xã hội, đại diện Cục PTTH và TTĐT cho hay sẽ chỉ cấp phép với các mạng xã hội mới, các mạng xã hội lớn được cấp phép sẽ phải gắn hệ thống giám sát.

{keywords}
Ông Lê Quang Tự Do, đại diện Cục PTTH và TTĐT

Theo đó, Việt Nam hiện có 870 mạng xã hội nhưng chỉ khoảng 10% đáp ứng tiêu chí mạng xã hội có người dùng lớn (từ 10.000 người trở lên). Theo đó, sẽ tập trung vào số này để gắn hệ thống rà quét, phát hiện sai phạm bằng công nghệ.

Theo yêu cầu, những mạng xã hội lớn được cấp phép mới có các tính năng livestream hay các hoạt động phát sinh doanh thu; Các tài khoản mạng xã hội bắt buộc phải được định danh. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của các mạng xã hội, chủ kênh, tài khoản mạng xã hội và các trang cộng đồng.

Đại diện hai Cục Báo chí; Cục PTTH và TTĐT cũng cho biết, năm 2022, Bộ TT&TT sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra, xử nghiêm các vi phạm để răn đe, tạo sự chuyển biến mới trong hoạt động.

Duy Vũ

TP.HCM đang có 1.389 trang thông tin điện tử hoạt động không phép

TP.HCM đang có 1.389 trang thông tin điện tử hoạt động không phép

Theo ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, địa phương này hiện đang có 1.389 trang thông tin điện tử hoạt động không có giấy phép, trong đó nhiều trang có lượt truy cập cao.