Với yêu cầu đó, lĩnh vực bưu chính bước vào năm 2024 với những giải pháp mạnh mẽ để phát triển.
Doanh thu bưu chính năm 2023 tăng 9,3%
Theo số liệu của Vụ Bưu chính - Bộ TT&TT, số doanh nghiệp (DN) bưu chính đang hoạt động năm 2023 là 709 DN (tăng 8% so với 2022), 67 DN mới, 13 DN nộp lại giấy phép. Doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 58.900 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 94% kế hoạch năm 2023. Tổng sản lượng bưu gửi ước đạt 2.465 triệu bưu gửi, tăng 32,3% so với năm 2022 và tăng 0,6% so với kế hoạch năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước lĩnh vực bưu chính ước đạt 5.750 tỷ đồng, tăng 0,5% so với năm 2022.
Để lĩnh vực phát triển lành mạnh trong năm 2024, Vụ Bưu chính cho biết công tác cấp giấy phép bưu chính, xác nhận thông báo hoạt động bưu chính được đẩy mạnh như: sẽ rà soát, thu hồi, yêu cầu DN không cung ứng dịch vụ nộp lại giấy phép/xác nhận thông báo; Thanh tra, kiểm tra về giá cước, khuyến mại, cạnh tranh không lành mạnh; Nghiên cứu, sửa đổi Luật Bưu chính, trong đó bổ sung điều kiện cấp giấy phép hoạt động bưu chính (trụ sở, vốn, nhân lực, hạ tầng, phương án kinh doanh...).
Theo Thanh tra Bộ TT&TT, năm 2024, công tác thanh, kiểm tra của lĩnh vực bưu chính sẽ tập trung vào các DN bưu chính có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, có hiện tượng bù chéo dịch vụ (các mô hình kinh doanh mới, cung ứng dịch vụ bưu chính có kết nối, liên kết với sàn thương mại điện tử (TMĐT), vi phạm về quy định giá cước, chất lượng, về đảm bảo an toàn thông tin (ATTT), của người sử dụng dịch vụ).
Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bưu chính đối với các DN cung ứng dịch vụ bưu chính, đặc biệt là các DN cung ứng dịch vụ bưu chính qua sàn TMĐT; Đẩy mạnh công tác giám sát các DN bưu chính thông qua việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số (CĐS), tập trung vào việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh bưu chính và ATTT mạng, tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất các DN bưu chính có dấu hiệu vi phạm vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính và cạnh tranh không lành mạnh trong cung ứng dịch vụ bưu chính; Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm của các DN cung ứng dịch vụ bưu chính.
Hiệu quả khi Bưu điện tham gia giải quyết TTHC, đóng góp vào CĐS
Trong năm 2023, thực hiện Quyết định số 468/ QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), trên cả nước có 40 tỉnh, thành phố (TP) đang thực hiện chuyển giao một số công việc hỗ trợ giải quyết TTHC (là nhiệm vụ của công chức các Sở tại bộ phận một cửa - BPMC) cho nhân viên Bưu điện thực hiện. UBND các cấp giao Bưu điện tỉnh bố trí trụ sở, trang thiết bị, vận hành BPMC, triển khai tại 33 tỉnh/TP: Cấp tỉnh là 14 Trung tâm phục vụ Hành chính công cấp tỉnh; Cấp huyện là 49 BPMC cấp huyện tại 19 tỉnh/TP; Cấp xã là 57 BPMC cấp xã tại 16 tỉnh/TP. UBND các cấp giao Bưu điện tỉnh thực hiện chuyển hồ sơ giải quyết TTHC đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và nhận kết quả giải quyết TTHC từ cơ quan có thẩm quyền chuyển đến BPMC để trả cho người dân, theo đó, đã có 52/63 tỉnh/TP triển khai, còn 11 tỉnh/ TP chưa triển khai.
Theo đánh giá của Vụ Bưu chính, triển khai công tác này, hiệu quả mang lại là giúp cơ quan nhà nước tiết kiệm được biên chế (tại tỉnh Kon Tum: 07 nhân viên Bưu điện thay cho 16 công chức, tại tỉnh Lâm Đồng: 36 nhân viên Bưu điện thay cho 55 công chức, tại tỉnh Gia Lai: 69 nhân viên Bưu điện thay cho 99 công chức; Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Nam: 17 nhân viên Bưu điện thay cho 24 công chức viên chức).
Tại các BPMC đã thực hiện chuyển giao cho Bưu điện trong giải quyết TTHC, chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân được cải thiện, giảm tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết TTHC. Theo đó, cụ thể hóa chủ trương chuyển một số nhiệm vụ mà Nhà nước không nhất thiết phải làm cho DN thực hiện.
Thông tin về việc thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg tại Hải Phòng, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết các dịch vụ bưu chính, chuyển phát được các DN triển khai phục vụ người dân, DN được duy trì ổn định, các dịch vụ bưu chính công ích, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC giúp người dân và DN tiếp cận thực hiện các TTHC một cách nhanh chóng và tiện lợi. Trong 10 tháng đầu năm 2023, Hải Phòng đã tiếp nhận và chuyển trả trên 242.000 hồ sơ theo đề án trả giấy pháp lái xe giải quyết các TTHC.
Với vị trí địa lý thuận lợi của Hải Phòng, Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường cho biết hoạt động bưu chính chuyển phát địa bàn thành phố có nhiều cơ hội để phát triển bứt phá, trở thành hạ tầng, mắt xích quan trọng của ngành logistics trong nền KTS, đặc biệt là của TMĐT và được xác định là ngành hậu cần cho sự phát triển KT-XH. Hải Phòng mong muốn lĩnh vực bưu chính tham gia tích cực vào tiến trình CĐS (cung cấp dịch vụ công), phát triển logistics, TMĐT.
Trong thời gian tới, ông Hoàng Minh Cường cho biết, UBND TP. Hải Phòng sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở TT&TT phối hợp với các đơn vị của Bộ chú trọng việc thực hiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về bưu chính trên địa bàn TP. Hải Phòng. Đồng thời, thúc đẩy phát triển lĩnh vực bưu chính trở thành nền tảng của TMĐT và logistics, đóng vai trò quan trọng trong phát triển KTS - xã hội số của Thành phố, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tháo gỡ khó khăn về triển khai nền tảng địa chỉ số
Một công nữa của lĩnh vực bưu chính là triển khai nền tảng địa chỉ số. Ngày 02/3/2022, Bộ TT&TT ban hành Quyết định số 392/QĐ- BTTTT ban hành Kế hoạch phát triển Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số. Trong quá trình triển khai Kế hoạch trên, Bộ TT&TT nhận được phản ánh khó khăn, vướng mắc của các Sở TT&TT khi thực hiện nội dung “gắn biển” và “thông báo” địa chỉ số.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các Sở TT&TT, đồng thời, đảm bảo hiệu quả triển khai Kế hoạch, ngày 20/10/2023, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 2012/QĐ-BTTTT sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Kế hoạch phát triển Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số ban hành kèm theo Quyết định số 392/QĐ-BTTTT ngày 02/3/2022 của Bộ trưởng Bộ TT&TT (gọi tắt là Quyết định 2012/QĐ-BTTTT).
Ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho biết Quyết định 2012/QĐ-BTTTT đã bãi bỏ nội dung “Thông báo địa chỉ số và gắn biển địa chỉ số”. Hiện nay, Vụ Bưu chính đang phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính nghiên cứu, trình Lãnh đạo Bộ TT&TT sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1127/QĐ-BTTTT ngày 22/6/2022, cụ thể là xem xét bãi bỏ tiêu chí 4đ Phụ lục 2 Quyết định 1127/QĐ-BTTTT: “100% hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích được thông báo, gắn biển địa chỉ số đến từng điểm địa chỉ” và các văn bản khác có liên quan đến chỉ tiêu, tiêu chí về địa chỉ số.
Hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp phù hợp yêu cầu thực tiễn
Với mục tiêu hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN), hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác (gọi chung là hộ SXNN) đăng ký tham gia các sàn TMĐT) để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, từ năm 2021, Bộ TT&TT đã giao cho 2 DN bưu chính là Tổng công ty BĐVN và Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) triển khai hỗ trợ trên 2 sàn TMĐT nông sản là Postmart.vn và voso.vn.
Để phù hợp yêu cầu thực tiễn, đảm bảo hỗ trợ hiệu quả việc đưa nông sản Việt lên sàn TMĐT, Vụ Bưu chính cho biết việc triển khai đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT, phát triển KTS nông nghiệp nông thôn sẽ có Kế hoạch mới từ năm 2024.
Thông tin về kế hoạch của BĐVN hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT, ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc trung tâm kinh doanh phân phối, Tổng công ty BĐVN cho biết trong giai đoạn từ năm 2021 - 2023, BĐVN đã triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT Postmart và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển KTS nông nghiệp, nông thôn. Năm 2022, sàn TMĐT Posmart.vn được Bộ TT&TT công nhận là nền tảng số phục vụ người dân.
Năm 2024, Tổng công ty BĐVN xác định nền tảng TMĐT PostMart là sàn Nông sản Việt có quy mô lớn nhất do BĐVN sở hữu và vận hành.
Không chỉ vậy, BĐVN sẽ cùng với người nông dân tham gia vào công đoạn kiểm soát hoạt động nuôi trồng, cung cấp đầu vào, thậm chí dán nhãn sản xuất thương mại hàng hoá trước khi bán, giới thiệu.
Quý II năm 2024, BĐVN sẽ ra mắt nên tảng TMĐT nông sản mới do đơn vị này sở hữu và vận hành với tên gọi và nhận diện mới. Theo đó, mỗi xã sẽ tham gia giới thiệu ít nhất 1 sản phẩm nông sản, đặc sản tại địa bàn xã. 100% hộ SXNN sản xuất sản phẩm OCOP được hỗ trợ tham gia gian hàng trưng bày, bán hàng trên nền tảng TMĐT. Đồng thời, phát triển thêm các hộ SXNN mới có sản phẩm chất lượng, rõ nguồn gốc. Hiện có xấp xỉ 11.000 mặt hàng OCOP 3 sao, 5 sao tương đương 5.600 hộ trên sàn PostMart. Từ nay đến hết năm, 100% sản phẩm OCOP sẽ được đưa lên nền tảng TMĐT PostMart giới thiệu và kinh doanh...
Ông Nguyễn Thế Anh cũng thông tin BĐVN đang phối hợp với Sở TT&TT Thừa Thiên Huế triển khai mô hình giới thiệu các sản phẩm nông sản ở địa phương cho khách du lịch đến Thừa Thiên - Huế. Theo đó, khách du lịch được giới thiệu các đường link để đặt mua vật sản của địa phương. BĐVN sẽ vận chuyển hàng nông sản cho khách về đến tận địa chỉ nhà mà không phải “tay xách nách mang”. Mô hình này đang được khảo sát ở Huế và chuẩn bị triển khai. “Mô hình này mong được sự ủng hộ của các địa phương để cùng chia sẻ dữ liệu, marketing và bán nông sản”.
BĐVN cũng đã xác định rõ muốn thúc đẩy hộ SXNN giao dịch nông sản cần phải thúc đẩy năng lực logistics. Ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty BĐVN cho biết BĐVN không chỉ xây dựng sàn TMĐT mà buộc phải xây dựng năng lực logistics, ví dụ như hệ thống kho, kiểm soát đóng gói... thì lúc đó mới hình thành luồng TMĐT đến người dùng cuối.
“Phần logistics phải triển khai đồng bộ ví dụ như nơi chứa hàng nông sản cần phải kho mát dành cho các nông sản mùa vụ như vải thiều, nhãn...”.
Cấp thiết sửa đổi Luật Bưu chính
Trao đổi về chính sách thúc đẩy lĩnh vực bưu chính trong thời gian tới, đồng tình với kế hoạch đề xuất sửa đổi Luật Bưu chính của Vụ Bưu chính, Thượng tá Ngô Văn Bình, Phó trưởng phòng An ninh bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin, Cục An ninh Chính trị nội bộ (A03) - Bộ Công an kiến nghị cần sửa đổi Luật Bưu chính để giải quyết những vấn đề tồn tại của lĩnh vực như cần quy định rõ tiêu chí về các hàng cấm gửi là hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, ma tuý, vũ khí, tài liệu hoạt động từ nước ngoài, văn hóa phẩm đồi trụy qua đường bưu chính nhiều. Theo đó, có thể đảm bảo an ninh bưu chính. Hay việc cấp phép cho DN bưu chính phải đảm bảo các yếu tố về vốn, công nghệ, an toàn dữ liệu cá nhân hiện đang là vấn nhức nhối khi xảy ra tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân tràn lan... khi các DN ứng dụng công nghệ mạnh mẽ.
Cùng với đó là những câu chuyện về vận tải. DN vận tải cũng xin cấp phép DN bưu chính nhưng lại không chở hàng không có mã bưu gửi và chở hàng lậu. Hay hiện nay đang nổi lên vấn đề nhượng quyền hay DN công nghệ mà hiện mô hình này chưa được cấp phép. Các DN vận tải công nghệ giờ có khái niệm chuyển phát viên với nhiều nghìn người ký hợp đồng nhưng không đóng bảo hiểm, tụ tập đông ảnh hưởng trật tự an ninh, an sinh xã hội...
Trước các đề xuất về các biện pháp để lĩnh vực bưu chính phát triển, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương đã chỉ đạo ngay trong Quý I năm 2024, Thanh tra Bộ, Vụ Bưu chính tìm mọi cách, bằng mọi biện pháp xử lý dứt điểm vấn đề các DN không cung cấp dịch vụ bưu chính mà xin giấy phép bưu chính. Thanh tra các Sở TT&TT phải phối hợp cùng vào cuộc. Vụ Bưu chính năm 2024 tập trung đề xuất sửa Luật Bưu chính. Đây là một việc không có lựa chọn khác và là ưu tiên số 1.
Tiếp theo là cần phải có chính sách giá; Tập trung quản lý chất lượng dịch vụ, giá dịch vụ nghiên cứu để thị trường quyết định. Cụ thể, về quản lý chất lượng dịch vụ, Bộ TT&TT sẽ công bố tiêu chuẩn, xếp hạng chất lượng dịch vụ của các DN bưu chính. Thứ trưởng cũng giao Trung tâm thông tin, Thanh tra Bộ, Vụ Bưu chính tập trung xây dựng cổng tiếp nhận các phản ánh của người dân về lĩnh vực bưu chính.
Đối với các DN bưu chính, Thứ trưởng cũng yêu cầu: “DN bưu chính tăng cường áp dụng công nghệ. Nếu DN bưu chính không thay đổi, không ứng dụng công nghệ thì không thể tồn tại. Hai DN bưu chính nhà nước là BĐVN và Viettel Post phải thực sự thay đổi”.
DN bưu chính cũng phải tư duy về chiến lược cho các hoạt động của DN như các hệ thống, phương tiện vận chuyển vận chuyển phải xanh hóa, bảo vệ môi trường và việc này phải triển khai dần.
DN bưu chính cũng phải tập trung nâng cao quản lý chất lượng. Các DN sai phạm bị xử phạt tiền thường không lo ngại mà lo ngại mất uy tín và thương hiệu. “Đừng đặt nặng câu chuyện phạt tiền vì nhiều khi không ý nghĩa lớn, không quan trọng bằng thương hiệu, uy tín. Các Sở TT&TT cũng trao đổi các DN trên địa bàn nội dung này”, Thứ trưởng đề xuất.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương khẳng định lại vị trí, vai trò, vị thế của lĩnh vực Bưu chính. Theo Quyết định số 654/QĐ-TTg ngày 30/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu lĩnh vực bưu chính phải trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia, của nền KTS, đặc biệt của TMĐT, mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới và thúc đẩy phát triển chính phủ số, XHS.
Trong bối cảnh KT-XH Việt Nam gặp nhiều khó khăn, Bưu chính cũng gặp rất khó khăn nhưng đã đạt những kết quả đáng khích lệ với doanh thu, sản lượng bưu gửi tăng. “Lĩnh vực bưu chính tiếp tục khẳng định vai trò thiết yếu trong đời sống KT-XH, trong việc đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu và đóng góp quan trọng cho phát triển TMĐT, KTS, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Điều này đã được khẳng định qua đợt dịch COVID-19 khi các DN bưu chính Nhà nước vẫn hoạt động tích cực trong khi mọi người ở trong nhà”, Thứ trưởng khẳng định./.
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2023)