Các doanh nghiệp, HTX làm sản phẩm OCOP của tỉnh nỗ lực đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, khắc phục điểm yếu trong khâu phát triển để đáp ứng nhu cầu khách hàng, khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
Tỉnh Bình Định cũng đã đề ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ những sản phẩm OCOP, thúc đẩy phát triển kinh tế số, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Báo VietNamnet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Định.
Đưa sản phẩm lên sàn TMĐT
- Thời gian qua, sở Công thương đã làm như thế nào để hỗ trợ người dân phát triển sản phẩm OCOP, đẩy mạnh tiêu thụ những sản phẩm này trên thị trường?
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Bình Định về phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2023-2025 thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm, trong năm 2023, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu, quảng bá, kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các kỳ hội chợ, phiên chợ hàng Việt, kết nối giao thương với các tỉnh, thành trong cả nước.
Xây dựng hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm OCOP; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP thuộc ngành, nghề được hưởng chính sách khuyến công ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị từ nguồn kinh phí khuyến công.
Đặc biệt, Sở cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia tập huấn kỹ năng bán hàng trực tuyến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn TMĐT có uy tín trong và ngoài nước; tăng cường ứng dụng TMĐT trong phát triển thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ Công Thương (Cục TMĐT và Kinh tế số) tổ chức Chương trình ký kết hợp tác hỗ trợ tỉnh Bình Định tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Bình Định; quảng bá, kinh doanh trên 5 Sàn TMĐT lớn của thế giới và trong nước: Alibaba, Lazada, Shopee, Voso, Postmart.
Các doanh nghiệp này đã ký kết biên bản ghi nhớ với Sở Công Thương Bình Định (theo ủy quyền của UBND tỉnh Bình Định) về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi đến mùa cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.
Sở Công Thương tiếp tục duy trì và nâng cấp sàn TMĐT kết nối giao thương giữa Bình Định và các tỉnh phía Nam nước Lào (VietLao.vn) với tính năng song ngữ (Việt, Lào) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương hiệu của tỉnh Bình Định đến các tỉnh Nam Lào. Đồng thời, giúp giới thiệu các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng.
Nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp
- Một trong những giải pháp tối ưu mà Sở Công thương lựa chọn là đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT. Vậy, việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT mang lại lợi ích như thế nào cho người dân, người kinh doanh, thưa ông?
Việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và người kinh doanh. Đây là xu hướng kinh doanh hiện đại, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số.
Người dân có thể mua sắm mọi lúc, mọi nơi chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet. Họ không cần phải đi lại, xếp hàng, chờ đợi như khi mua sắm truyền thống. Các sàn TMĐT cung cấp đa dạng các sản phẩm từ nhiều thương hiệu khác nhau, giúp người dân dễ dàng so sánh giá cả và chất lượng để lựa chọn được sản phẩm phù hợp nhất. Người dân có thể thanh toán trực tuyến qua thẻ ngân hàng, ví điện tử... một cách nhanh chóng và an toàn.
Các sàn TMĐT có lượng truy cập lớn, giúp doanh nghiệp tiếp cận được với nhiều khách hàng tiềm năng trên toàn quốc và quốc tế, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng doanh số bán hàng; Doanh nghiệp không cần phải tốn chi phí thuê mặt bằng, nhân công,... như khi kinh doanh truyền thống. Thay vào đó, họ chỉ cần tập trung vào việc quảng bá và bán hàng trên các sàn TMĐT. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể.
Doanh nghiệp có thể xây dựng và quảng bá thương hiệu của mình một cách hiệu quả thông qua các sàn TMĐT, giúp doanh nghiệp tạo dựng được niềm tin và sự uy tín với khách hàng; dễ dàng quản lý và theo dõi các đơn hàng, doanh số bán hàng thông qua các công cụ của sàn TMĐT giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Xu hướng kinh doanh online
- Ngoài những sàn TMĐT như Postmart, Voso, việc đưa sản phẩm lên các nền tảng xã hội Tiktok, Zalo, Facebook… được ông đánh giá như thế nào?
Việc đưa sản phẩm lên các nền tảng xã hội như TikTok, Zalo, Facebook… được đánh giá là một xu hướng kinh doanh online hiệu quả hiện nay. Các nền tảng này có nhiều ưu điểm vượt trội.
Cụ thể, các nền tảng xã hội có lượng người dùng khổng lồ, đặc biệt là giới trẻ, là đối tượng khách hàng tiềm năng của nhiều doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận được với nhiều khách hàng tiềm năng ở khắp mọi nơi.
Bán hàng trên các nền tảng xã hội thường có chi phí thấp hơn so với bán hàng trên các sàn TMĐT. Doanh nghiệp có thể tự do sáng tạo nội dung theo phong cách riêng của mình để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, việc bán hàng trên các nền tảng xã hội cũng có một số hạn chế như: tính cạnh tranh cao; khó kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Lựa chọn nền tảng, nắm rõ hạn chế để bán hàng đạt hiệu quả cao
- Với những hạn chế của của việc bán hàng trên các nền tảng xã hội, ông có lưu ý gì đối với người dân, doanh nghiệp?
Để bán hàng hiệu quả trên các nền tảng xã hội, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, chọn lựa nền tảng phù hợp: Mỗi nền tảng xã hội có đối tượng người dùng và cách thức hoạt động khác nhau. Doanh nghiệp cần lựa chọn nền tảng phù hợp với sản phẩm và đối tượng khách hàng mục tiêu của mình.
Thứ hai, tạo nội dung chất lượng: Nội dung là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của việc bán hàng trên các nền tảng xã hội. Doanh nghiệp cần tạo nội dung chất lượng, hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Thứ ba, tương tác với khách hàng: Doanh nghiệp cần tương tác với khách hàng một cách tích cực để xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng.
Với những ưu điểm vượt trội, việc đưa sản phẩm lên các nền tảng xã hội là một xu hướng kinh doanh online hiệu quả mà các doanh nghiệp nên cân nhắc. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nắm rõ những hạn chế và lưu ý khi bán hàng trên các nền tảng này để đạt được hiệu quả cao.
Luỹ kế đến cuối tháng 12/2023, toàn tỉnh Bình Định có 348 sản phẩm đạt hạng OCOP. Trong đó: 302 sản phẩm đạt hạng OCOP 3 sao (chiếm tỷ lệ 86,78%), 40 sản phẩm đạt hạng 4 sao (chiếm tỷ lệ 11,49%) và 6 sản phẩm tiềm năng đạt hạng 5 sao (chiếm tỷ lệ 1,73%). |
Diễm Phúc