Elizabeth Teo (36 tuổi) mất gần 15 năm mới chấp nhận được việc bị lạm dụng tình dục năm 19 tuổi. Thủ phạm là người đàn ông hơn Elizabeth 20 tuổi, được cô xem như cố vấn tinh thần và thường xuyên gặp mặt, theo Channel News Asia.
"Một ngày nọ, trong buổi gặp mặt, anh ta nắm lấy tay tôi và nói: 'Em đã khiến anh phải lòng em. Bây giờ em không thể thoát khỏi mối quan hệ này đâu'", cô nhớ lại.
Từ đó, cơn ác mộng kéo dài hơn 3 năm kéo đến với Elizabeth. Trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến 2007, người đàn ông quấy rối cô liên tục mỗi khi hai người gặp nhau trong xe của anh ta.
Tuy nhiên, Elizabeth chưa bao giờ lên tiếng tố cáo kẻ tấn công mình.
"Tôi cảm thấy rất xấu hổ vì anh ta đã có gia đình. Tôi tự trách bản thân khi việc đó diễn ra, rằng tôi đã đẩy anh ta ra không đủ mạnh, không bỏ chạy đủ xa, không lên tiếng đủ lớn".
Năm 2018, sau khi được một nhà trị liệu hỗ trợ, giúp Elizabeth thấy rằng bản thân không có lỗi vì những gì đã xảy ra, cô cuối cùng cũng có can đảm làm đơn trình báo cảnh sát.
"Có thể không thay đổi được điều gì nhưng tôi không biết liệu anh ta có làm điều tương tự với cô gái nào khác hay không, tôi muốn bảo vệ những người khác nữa. Tôi ước anh ta biết được nỗi đau đã khiến tôi phải gánh chịu".
Sau 1,5 năm điều tra, nhà chức trách quyết định không đào sâu thêm vụ việc. Dù vậy, Elizabeth không hối hận khi đã báo cảnh sát.
"Ít nhất anh ta biết tôi muốn đem vụ việc ra pháp luật, mong rằng điều đó khiến anh ta phải sợ hãi trong một thời gian".
Trình báo không bao giờ là muộn
Elizabeth không phải là nạn nhân duy nhất tự trách và có cảm giác tội lỗi. Theo Ng Yiwen thuộc đơn vị chống tội phạm tình dục, việc nạn nhân bị xâm hại tình dục báo cáo vụ việc sau khi xảy ra vài tháng hay vài năm là không hiếm.
Ng thừa nhận thời gian dài khiến việc khởi tố một vụ án trở nên khó khăn hơn vì bằng chứng pháp y sẽ bị mất và ký ức của cả nạn nhân và hung thủ cũng suy giảm.
Nhiều nạn nhân không dám báo cảnh sát khi bị tấn công tình dục. Ảnh: Istock. |
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc trình báo muộn không đặt dấu chấm hết cho vụ án. Các cơ quan có thẩm quyền vẫn sẽ điều tra kỹ lưỡng và cân nhắc các bằng chứng tìm được để khởi tố vụ án.
Theo thống kê của Lực lượng Cảnh sát Singapore, khoảng 9.200 vụ việc phạm tội tình dục được ghi nhận từ năm 2017 đến năm 2020, bao gồm hiếp dâm, tấn công tình dục, xúc phạm phẩm giá, các hành vi phạm tội liên quan đến trẻ em và các nạn nhân dễ bị tổn thương.
Năm 2020, cảnh sát đã xử lý 348 vụ hiếp dâm, tăng so với 281 vụ vào năm 2019. Hầu hết thủ phạm là người nạn nhân biết như người quen, thành viên gia đình, họ hàng, bạn bè.
Không hối hận
Trong quá trình thu thập thông tin các vụ án liên quan đến tấn công tình dục, cảnh sát phải đặt một số câu hỏi có thể khiến nạn nhân có cảm giác như bị đổ lỗi, ví dụ về mối quan hệ với thủ phạm, lịch sử tình dục của nạn nhân hay trang phục của hai bên. Điều này là cần thiết để phục vụ việc điều tra, thu thập bằng chứng.
Vivien Lim, sĩ quan cao cấp thuộc phòng tội phạm tình dục nghiêm trọng, cho biết cảnh sát được đào tạo để đảm bảo rằng nạn nhân được quan tâm, cảm thông đúng mức trong quá trình phỏng vấn, không bị tổn thương lần nữa. Nạn nhân cũng có thể làm rõ với chuyên viên điều tra về lý do một số câu hỏi được đặt ra.
Nạn nhân bị xâm hại gặp nhiều tổn thương về cả thể xác và tinh thần. Ảnh: Istock. |
Amelia (22 tuổi) từng gặp nhiều khó khăn trong quá trình cung cấp thông tin cho cảnh sát về việc bị lạm dụng.
Từ khi Amelia lên 8, thủ phạm lẻn vào phòng cô 2-3 lần/tuần và xâm hại cô. Đến năm 2014, sự việc mới kết thúc khi kẻ này bị bắt vì phạm tội liên quan đến ma túy.
Amelia giữ kín vụ việc cho đến năm 2018, khi cô gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần. Sau khi nghe cô kể lại, phía bệnh viện đã chuyển vụ việc tới cảnh sát. Trong 2 năm, Amelia thường xuyên phải gặp cảnh sát để hỗ trợ việc điều tra.
"Việc này rất áp lực, tôi càng nói, họ càng đưa ra nhiều câu hỏi hơn. Cảnh sát thậm chí còn hỏi ngôi nhà của tôi trông như thế nào. Tôi từng phải vẽ lại khung cảnh căn phòng của mình, nơi đặt giường, cửa...".
Tuy nhiên, khi nhìn lại, Amelia không hối hận khi lên tiếng.
“Khi bắt đầu quá trình tố cáo, tôi rất mệt mỏi và muốn bỏ cuộc. Dần dần, mọi thứ bắt đầu khởi sắc, có rất nhiều người đã động viên tôi. Tôi thấy nhiều điều tích cực hơn là tiêu cực".
Theo Zing
Ngày càng nhiều trẻ em bị xâm hại, người thân cũng trở thành 'yêu râu xanh'
Hiện nay, độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ, người thân cũng dễ dàng trở thành “yêu râu xanh”, nơi tưởng chừng an toàn lại là chốn tội phạm xâm hại trẻ em ẩn náu.