Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhà lợp mái tranh (rơm, rạ từ cây lúa nước) trong những thập niên 90 rất phổ biến. Tuy nhiên, việc lợp mái nhà bằng cây cói thì hiếm và chỉ có ở một số vùng như huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Nga Sơn (Thanh Hóa)...
Ngày nay, đa số các hộ dân đều xây nhà kiên cố, lợp mái ngói, tôn. Tại Ninh Bình, những ngôi nhà mái cói (mái bổi) ở huyện Kim Sơn được xem là hiếm có còn sót lại.
Ông Vũ Văn Phi (SN 1967) chủ nhân của ngôi nhà mái bổi có niên đại 160 năm cho biết, ngôi nhà của gia đình ông được lưu giữ qua 5 thế hệ. Nhà ông có 5 gian, khung nhà bên trong được làm bằng gỗ lim, rui mè được dùng bằng luồng, mái lợp bằng cói.
Theo ông Phi, ngôi nhà có kiến trúc độc đáo, mái bổi được lợp dày từ 70cm đến 1m và được bao quanh bởi tường bao. Trên mái lợp bằng cây cói có những ụ cói được bện chặt vào xà nhà để giữ chặt mái và để trang trí. Đặc điểm của ngôi nhà mái cói là ấm về mùa đông, mát về mùa hè.
Ông Phi cho biết, việc lợp mái cói mất rất nhiều thời gian, công sức. Trước tiên là mua cói về thuê hàng chục người tuốt thẳng cói, cói được tuốt thẳng như những người con gái dùng lược chải tóc và nhiều người trên mái để lợp. Mỗi lần lợp nhà phải mất 1 tháng mới có thể xong mái.
Nói về lý do giữ lại ngôi nhà, ông Phi cho hay: “Ngôi nhà của gia đình tôi vẫn giữ nguyên nét truyền thống từ xưa các cụ để lại, chỉ cải tạo lại một số bộ phận, lợp lại mái. Hiện nay, ngôi nhà chúng tôi vẫn đang sinh hoạt bình thường với mong muốn truyền lại cho con cháu và các thế hệ sau này”.
Ông Phạm Văn Sang, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kim Sơn cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện chỉ còn vài ngôi nhà mái bổi ở các xã Lai Thành, Kim Mỹ, Đồng Hướng.
Cũng theo ông Sang, trước đây người dân Kim Sơn trồng cói nhiều nên tận dụng những cói loại hay bổi (cói không đủ tiêu chuẩn dệt chiếu, đan lát) để lợp mái nhà thay cho rơm, rạ.
“Trước năm 1995, ở Kim Sơn có rất nhiều và phổ biến nhà mái bổi. Nhà mái bổi lợp dày nên khung nhà, cột, vì, kèo phải chắc chắn, chỉ những gia đình có điều kiện mới có nhà mái bổi”, ông Sang cho hay.
Được biết, trước đây vùng Kim Sơn người dân trồng cói rất nhiều (hàng trăm hecta) nên thường tận dụng cói ngắn, cói loại để lợp mái nhà.
Hiện tại, diện tích trồng cói đã chuyển đổi sang trồng cây nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nên những nhà muốn lợp mái bổi thì phải sang vùng Nga Sơn (Thanh Hóa) đặt mua cói.