Gia Lai có khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, tạo nên vùng đất đỏ bazan phù hợp với các giống cây trồng chủ lực như: Cà phê, hồ tiêu, cao su, trở thành những sản phẩm thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) cũng ứng dụng công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành đặc biệt quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX về giống cây trồng, vùng trồng, tạo thương hiệu cho các sản phẩm có thế mạnh của Gia Lai…
Điển hình như HTX Đak Krong (huyện Đak Đoa, Gia Lai) xuất phát điểm chỉ với 13 hộ khi thành lập vào năm 2018, đến nay đã thu hút được 185 thành viên, hộ liên kết, 40% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng diện tích vùng nguyên liệu trồng cà phê đạt trên 320 ha. Đáng chú ý, với mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị, đảm bảo tính bền vững của mô hình, HTX đã liên kết với doanh nghiệp để hỗ trợ thành viên áp dụng quy trình sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tương tự, ở xã Glar, bà con địa phương tích cực tham gia vào HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh để trồng cà phê sạch theo hướng bền vững. Với vai trò hỗ trợ kết nối, HTX này đã thành lập 3 Tổ liên kết sản xuất cà phê sạch tại các xã Glar, A Dơk và xã Trang thuộc huyện Đak Đoa. Bên cạnh 19 thành viên HTX, đã có thêm 31 nông hộ khác tham gia canh tác. Đến nay, HTX là đầu mối kết nối người dân trên địa bàn sản xuất khoảng 70 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C và UTZ cung cấp nguyên liệu sạch cho Công ty TNHH Vĩnh Hiệp.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, địa phương này đang phát huy có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó có cà phê.
Hiện nay, Gia Lai có hơn 98.000ha cà phê, phần lớn đang ở giai đoạn kinh doanh, tổng sản lượng đạt gần 300.000 tấn mỗi năm. Tại tỉnh cũng có trên 46.000ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, 4C, Organic, UTZ, Rain Forest.
Về chế biến, tỉnh có hơn 90 nhà máy, cơ sở chế biến với nhiều thương hiệu nổi tiếng như L’amant, Thu Hà, Thanh Thủy, Thảo Hiên... xuất khẩu hàng năm đạt khoảng gần 490 triệu USD/năm và có xu hướng tăng cao qua các năm. Cùng với đó là hàng trăm doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp, chế biến cà phê.
Nhận định được tiềm năng gia tăng giá trị của ngành hàng cà phê, tỉnh Gia Lai hỗ trợ các hợp tác xã, nhóm hộ, nhà sản xuất, chế biến cà phê nhiều mặt; xây dựng những nền tảng về cơ sở vật chất để phát triển bền vững ngành hàng trong tương lai.
Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh Gia Lai cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông - lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025.
Đề án được triển khai với quy mô 5.611 ha cà phê tại 7 địa phương gồm: Đak Đoa, Chư Sê, Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh và Pleiku. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đề án là 490,435 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 140,428 tỷ đồng, ngân sách địa phương 54,368 tỷ đồng; vốn đối ứng hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp 250,639 tỷ đồng; vốn tín dụng, vốn khác 45 tỷ đồng.
Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là hình thành vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn, quy mô tập trung với diện tích trên 5.611 ha và các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cà phê giữa các doanh nghiệp, HTX và nông dân. Giảm chi phí đầu vào sản xuất 5 - 10% cho các thành viên HTX và người nông dân; giảm tổn thất sau thu hoạch 5 - 10% số nguyên liệu và tăng giá trị khoảng trên 10%. Qua đó, tăng thu nhập 5 - 10% cho thành viên HTX và người nông dân.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cho ít nhất 12 HTX nông nghiệp trong vùng nguyên liệu cà phê; giúp nâng cao khả năng điều hành và tổ chức sản xuất của các HTX, thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang phát triển kinh tế tập thể và nâng cao giá trị của chuỗi nông sản theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cho các HTX và doanh nghiệp liên kết tiêu thụ. Thí điểm hình thành 10 tổ khuyến nông cộng đồng và tổ chức các lớp tập huấn tư vấn phát triển HTX, kết nối thị trường.
Đồng thời, áp dụng phần mềm quản lý sản xuất vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao, số hóa thông tin, cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Xây dựng 1 trung tâm Logistics chuỗi cà phê tỉnh Gia Lai; Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương, phát triển chế biến quy mô nhỏ và vừa theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ... để phù hợp với mục tiêu chung tạo ra sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.